Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu ›› Thư viện trường

Giới thiệu sách mới

Ngày Đăng: 17/10/2017 17:2 Lượt xem: 1067

​VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG VÀO NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VÀ BÁO CHÍ -  TRUYỀN THÔNG
NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật, 2017
Mã số tra cứu: 5529      

Tóm tắt nội dung:
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là sự kết tinh trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta; là sự tiếp tục khẳng định, hoàn thiện đường lối xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Đại hội đặt ra yêu cầu nhiệm vụ: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội… Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng.
Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, ngày 22/3/2016 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chỉ thị nêu rõ đối với  cán bộ, đảng viên cần tổ chức học tập, nghiên cứu sâu theo các chuyên đề về những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, nội dung cốt lõi, nhất là những vấn đề mới của Nghị quyết Đại hội và cơ sở lý luận - thực tiễn.
Nội dung cuốn sách gồm 39 bài tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên của các viện nghiên cứu, trường đại học, học viện, các cơ quan báo chí và truyền thông… Các bài viết phân tích, làm rõ các quan điểm, những nội dung cơ bản, những thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới.
 Nghị quyết khẳng định: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nghị quyết là kim chỉ nam để chúng ta tiếp tục con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong những năm tới.
  
 
PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” VỀ TƯ TƯỞNG TRONG CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY
Tác giả: TS Trương Minh Tuấn
NXB: Thông tin và Truyền thông, 2016
Mã số tra cứu: 5552

Tóm tắt nội dung:
Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên là một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn đặc biệt quan trọng liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhận thức rõ nguy cơ và tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã cảnh báo và yêu cầu cần phải: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.
Với ý nghĩa đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: Nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII là: “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Nội dung này đã được nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1: Một số vấn đề lý luận “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng.
Phần 2: Thực trạng và nguyên nhân “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viện hiện nay.
Phần 3: Các giải pháp phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng.
Nội dung cuốn sách phân tích một số vấn đề lý luận, thực trạng và nguyên nhân “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên. Đề xuất các nhóm giải pháp phòng, chống hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong nội bộ Đảng, đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên các lĩnh vực. Đồng thời bổ sung những luận điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao nhận thức chính trị, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần đẩy lùi, triệt tiêu những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng và suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
 

QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, BỎ QUA CHẾ ĐỘ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Tác giả: TS Phạm Tất Thắng - PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu
NXB: Chính trị quốc gia - Sự thật, 2017
TK: 5530   

Tóm tắt nội dung:
Nghiên cứu vận động đi lên của các quốc gia, dân tộc, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra sự phát triển kế tiếp, thay thế tuần tự của các hình thái kinh tế - xã hội. Đồng thời, cũng nhấn mạnh khả năng về sự phát triển nhảy vọt, bỏ qua một hình thái nào đó do các điều kiện lịch sử quy định. C.Mác và Ph.Ăngghen đã nói về con đường “phát triển rút ngắn” không qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Tư tưởng này đã được V.I. Lênin kế thừa và phát triển, ông đã nêu ra các điều kiện chủ yếu để các dân tộc có thể vận động đi lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện của lịch sử cách mạng Việt Nam, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn kiên định lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đảng ta xác định là “bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, tiếp thu kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”. Đây là sự nghiệp khó khăn, phức tạp và tất yếu phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế - xã hội. Và trong mỗi chặng đường phát triển đất nước, đường lối chiến lược của Đảng cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chung của thời đại.
Nội dung cuốn sách gồm 5 phần:
Phần 1: Cơ sở lý luận, phương pháp luận nghiên cứu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Phần 2: Kinh nghiệm của các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Phần 3: Bối cảnh mới của quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Phần 4: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam: Nhận thức, thực tiễn và những vấn đề đặt ra.
Phần 5: Quan điểm, giải pháp lý luận và thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.     
Nội dung cuốn sách tập trung làm sáng tỏ những vấn đề về cơ sở lý luận, phương pháp luận nghiên cứu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đồng thời phân tích các nhân tố tác động và những vấn đề đang đặt ra. Đề xuất các quan điểm, giải pháp lý luận và thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Qua đó xác định phương hướng và các giải pháp đứng đắn, hợp lý để tiếp tục giải phóng tối đa mọi nguồn lực đất nước, nguồn lực con người và dân tộc. Tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh và bền vững tất cả lĩnh vực hoạt động của đời sống, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
 
 Cử nhân Hoàng Thị Dậu
Phòng Nghiên cứu khoa học -  Thông tin - Tư liệu
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8369163

Đang Online : 774