TUYÊN TRUYỀN ›› Nông thôn mới

Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 11/11/2016 7:57 Lượt xem: 721

     Lâm Bình là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Tuyên Quang, với tổng diện tích đất tự nhiên 78.496,79 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp không lớn, chỉ có 2.319,15 ha thích hợp với việc phát triển cây lương thực, cây công nghiệp; có thảm thực vật phong phú để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đất đai, khí hậu một vài nơi cho phép trồng các loại cây ăn quả ôn đới và phát triển nghề rừng. Đây cũng là những nơi có địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh, giao thông khó khăn, độ che phủ của rừng còn khá lớn. Rừng Lâm Bình có nhiều loại gỗ, dược thảo và muông thú quý, hiếm, đó là thế mạnh kinh tế cơ bản của huyện. Khí hậu trong năm chia làm 4 mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình trong năm là 22độ, độ ẩm không khí khoảng 85%, lượng mưa trung bình 1.800 mm; hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện có tốc độ dòng chảy lớn, nhiều thác ghềnh, thường lũ trong mùa mưa; tuy gây một số khó khăn trong phát triển KT-XH, song cũng có những tiềm năng kinh tế như: ngoài cung cấp nước phục vụ đời sống, sản xuất nông lâm nghiệp, sông suối còn có nguồn thuỷ sản khá phong phú với nhiều loại cá ngon; là đường giao thông quan trọng giữa các vùng, đồng thời có thể phát triển thuỷ điện nhỏ và các công trình thuỷ điện lớn, nhiều thác nước tạo nên những thắng cảnh hấp dẫn; dân số của huyện 32.256 nhân khẩu, gồm 08 xã với 76 thôn bản, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn cao (60,79%, năm 2015). Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
     Những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, khí hậu, thủy văn như trên mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã tạo cho huyện Lâm Bình những nét riêng có, rất lợi để phát triển nền kinh tế lâm, nông nghiệp.
     Nhận thức rõ thế mạnh đó, trong những năm qua, cấp  ủy Đảng, chính quyền  huyện Lâm Bình luôn đặc biệt quan tâm, ban hành các Nghị quyết, Quyết định về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện như:  Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 20/01/2015 của Ủy ban nhân dân huyện về việc phê duyệt quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa huyện Lâm Bình đến năm 2020; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 11/8/2015 của Ủy ban nhân dân huyện về kế hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016-2020... Bên cạnh đó,  huyện có những giải pháp tập trung huy động các nguồn lực về vốn, kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần tạo việc làm, ổn định xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần  cho nhân dân trên địa bàn huyện; đặc biệt huyện xác định rõ các loại cây, con là đặc sản có lợi thế phát triển của huyện để có biện pháp đầu tư, nhân rộng, phát triển và đã được những kết quả cụ thể như sau:
     Đối với cây trồng là đặc sản:  Là huyện miền núi, Lâm Bình có lợi thế phát triển một số cây đặc sản như Giảo cổ lam, Ngót rừng và cây Bò khai. Hiện nay trên địa bàn huyện các loại cây trên đã được người dân trồng và cho sinh trưởng, phát triển rất tốt, cụ thể: Cây Bò khai được trồng rải rác ở các xã Thượng Lâm, xã Xuân Lập, xã Thổ Bình, xã Lăng Can diện tích khoảng 3,0 ha; cây Ngót rừng, Giảo cổ lam hiện nay chưa có hộ nào thực hiện trồng, chủ yếu là mọc tự nhiên trên các thung lũng, khe suối và ven khu vực hồ thủy điện,...
     Đối với vật nuôi là đặc sản có lợi thế: Trong những năm gần đây hoạt động chăn nuôi được các cấp chính quyền trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm,  duy trì phát triển khá, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được triển khai tương đối tốt, nhờ vậy mà đàn gia súc, gia cầm ngày càng tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, cụ thể: Nếu như  đàn lợn năm 2011 là 22.376 con thì đến năm 2016 tăng lên 27.902 con, công tác cải tạo giống thực hiện chương trình nạc hóa đàn lợn, chăn nuôi lợn đen, lợn đen lai với lợn rừng... xã có số lợn đen nhiều nhất như xã Thượng Lâm, xã Khuôn Hà; chăn nuôi lợn đen, lợn đen lai với lợn rừng hiện nay trên địa bàn đang được khuyến khích phát triển; chăn nuôi dê được phát triển hầu hết ở các xã trên địa bàn huyện, ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng, năm 2011 đàn dê có tổng số là 2.320 con thì đến năm 2016 tăng lên 3.500 con; chăn nuôi gia cầm cũng phát triển mạnh, nếu như năm 2011 đàn gia cầm trên địa bàn huyện là 85.430 con thì đến năm 2016 tăng lên 92.241 con.
     Bên cạnh những kết quả đạt được, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện cũng xác định rõ việc phát triển các loại cây, con được xác định là đặc sản có lợi thế phát triển của huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: việc phát triển các loại cây có lợi thế như Bò khai, Giảo cổ lam, Ngót rừng chưa được người dân mạnh dạn đầu tư; phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, manh mún theo hộ gia đình, chưa chú trọng công tác thú y, tỉ lệ tăng trưởng hằng năm không ổn định. Các chương trình hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sản xuất thành vùng hàng hoá tập trung còn thiếu nguồn lực; các sản phẩm sản xuất hàng hoá chưa được đăng ký thương hiệu. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do tập quán sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình sản xuất từ lâu đời do vậy việc áp dụng các biện pháp thâm canh cây trồng, vật nuôi còn hạn chế, sản xuất sản phẩm hàng hoá chưa gắn kết với tìm thị trường tiêu thụ.Thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông-lâm nghiệp, các sản phẩm sản xuất ra mẫu mã chưa hấp dẫn, khó cạnh tranh trên thị trường, thiếu chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm tiêu thụ hầu hết chưa qua chế biến.
     Để phát huy thế mạnh, khắc phục tồn tại hạn chế trong sản xuất nông, lâm sản hàng hóa, nhất là đối với  những loại cây trồng, vật nuôi đặc sản có lợi thế của huyện;  Đặc biệt, để tập trung thực hiện có hiệu quả một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI đề ra “Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực“[1]; “Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản hàng hóa...đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản...đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa với quy mô phù hợp...“[2]    
     Tại Nghị quyết số 16 ngày 22/05/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025 đã xác định: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa là động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tập trung vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương với quy mô lớn, sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.” 
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lâm Bình khóa II đã ban hành Nghị quyết số 34a/NQ/HU ngày 29/7/2016 về phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện đến năm 2020. Trên cơ sở đường lối, chủ trương của các cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-UBND ngày 24/8/2016 Quyết định ban hành đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi là đặc sản có lợi thế  trên địa bàn huyện Lâm Bình, giai đoạn 2016-2020.
     Theo đó Đề án xác định từ năm 2016 đến năm 2020, huyện sẽ  tiếp tập trung phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi là đặc sản có tiềm năng lợi thế trên địa bàn huyện, bao gồm: Bò khai, Giảo cổ lam, Ngót rừng; Lợn đen; Dê núi, Gà ta, Vịt bầu (giống địa phương) và Vịt trời và tập trung thực hiện trên địa bàn 08 xã bao gồm các xã Thượng Lâm, xã Khuôn Hà, xã Lăng Can, xã Phúc Yên, xã Xuân Lập, xã Bình An, xã Thổ Bình và xã Hồng Quang. Với mục tiêu phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng riêng trên địa bàn huyện, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nhân dân; tạo công ăn việc làm góp phần giảm nghèo bền vững. Để thực hiện được mục tiêu trên, Đề án đã xác định rõ trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể  huyện Lâm Bình cần tập trung vào một số giải pháp sau:
     Thứ nhất, về công tác tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án tới cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở  và toàn thể nhân dân nhằm thống nhất nhận thức và quyết tâm thực hiện Đề án trong toàn huyện; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát huy lợi thế để xóa đói, giảm nghèo bền vững, về nhãn hiệu hàng hóa, về hộ gia đình sản xuất giỏi để nhân rộng các mô hình tiên tiến và để người sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng.
      Thứ hai, về công tác quản lý và tổ chức sản xuất cần chú trọng một số nội dung sau: Tổ chức thành lập các loại hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sở thích để phát triển sản xuất trên địa bàn;  đẩy mạnh việc liên kết giữa các chủ thể sản xuất bằng nhiều hình thức, trong đó có hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư lồng ghép các chương trình. Ưu tiên đầu tư phát triển tại các vùng sản xuất tập trung; triển khai lập và thực hiện các dự án chi tiết cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi, các sản phẩm đặc sản, phát huy lợi thế đặc thù của huyện để sản phẩm sản xuất ra từ nông nghiệp an toàn thực phẩm, có tính cạnh tranh cao; tập trung xây dựng các mô hình trọng điểm về sản xuất, mô hình chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư; tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng mở rộng quy mô gia trại, trang trại; khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện....
     Thứ ba, về Khoa học – kỹ thuật:   Đối với cây trồng cần sưu tầm và ưu tiên sử dụng giống là đặc sản của địa phương có năng suất cao, chất lượng tốt, có chính sách  hỗ trợ nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm. Đối với vật nuôi cần tuyển chọn, quản lý và khai thác nguồn giống gốc có hiệu quả; quản lý chất lượng con giống theo quy định, hướng dẫn nhân dân xây dựng chuồng trại đảm bảo các yêu cầu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện của địa phương ; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm đảm bảo phòng chống dịch bệnh; sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng; tận dụng các sản phẩm nông nghiệp tại chỗ kết hợp với thức ăn công nghiệp, thức ăn bổ sung.
     Thứ tư, về chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện để kêu gọi các doanh nghiệp, các công ty đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm đặc sản trên địa bàn. Có biện pháp hỗ trợ các tổ chức, cơ sở đăng ký nhãn hiệu; quảng bá sản phẩm đặc sản có nhãn hiệu; tư vấn xây dựng, khuyến khích phát triển nhãn hiệu hàng hóa đối với các cây trồng, vật nuôi là đặc sản của huyện. Mở rộng tìm kiếm thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là kết nối với các nhà hàng, siêu thị tại Tuyên Quang và các thành phố lớn tại các tỉnh bạn./.
            Thạc sĩ Hán Thị Hạnh Thúy
            Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật​
 

[1] Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tr 158
[2] Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tr 159, 160
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8276765

Đang Online : 358