Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 3_2015

Ngày Đăng:11/8/2016 1:48:00 PM Lượt xem: 1061

 
   
          Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, được triển khai ở các địa phương và cơ sở trong cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp nhất là sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương. Huyện Yên Sơn có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng của tỉnh Tuyên Quang, đây là huyện nằm ở phía Nam, bao quanh thành phố Tuyên Quang, có diện tích tự nhiên trên 113.242,26 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 102.394,99 ha, chiếm 90,42%[1], oàn huyện có 31 xã, thị trấn, trong đó có 27 xã thuộc vùng khó khăn  giai đoạn 2014 - 2015 (có 11 xã đặc biệt khó khăn)[2], do đó, chủ trương xây dựng nông thôn mới đã được toàn Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Sơn đồng tình, ủng hộ.
          Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 29/3/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TU ngày 23/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Chương trình hành động số 13-CTr/HU ngày 29/02/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khoá XXI) thực hiện Nghị Quyết số 27-NQ/TU. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, các cơ quan, phòng, ban, đảng ủy các xã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, sát thực với từng cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, phân công các đồng chí Huyện uỷ viên theo dõi, nắm tình hình thực hiện tại cơ sở được phụ trách.
         Kết quả thực hiện 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Sơn theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 về bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới: Năm 2011, tổng số tiêu chí đã đạt của 30 xã: 92 tiêu chí; đến tháng 9 năm 2015, tổng số tiêu chí đã đạt của 30 xã: 273 tiêu chí; dự kiến hết năm 2015, tổng số tiêu chí đạt 30 xã: 325 tiêu chí. Một trong những điểm nhấn về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Sơn,  ngày 09/02/2015 xã Mỹ Bằng- một trong 7 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, không có tiêu chí nào đánh giá là “non” so với tiêu chuẩn. Nhiều tiêu chí nổi bật như bê tông  giao thông nông thôn thực hiện được 127,1km; hệ thống kênh mương nội đồng cứng hóa đạt 93%; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; các trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn; cơ sở vật chất nhà văn hóa ở 25 thôn trong xã đều được đầu tư trang cấp thiết bị. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm 20,4% nay giảm xuống còn 3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm (tăng 1,8 lần so với năm 2011). Dự kiến đến hết năm 2015 số xã của huyện Yên Sơn đạt 19 tiêu chí là 02 xã chiếm 6,67% trong toàn huyện.[3]
Từ thực tiễn lãnh đạo xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ huyện Yên Sơn những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, đặc biệt coi trọng công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân các dân tộc trong toàn huyện nhận thức đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời coi trọng chỉ đạo điểm và xây dựng các mô hình điểm, thôn điểm, hộ gia đình điểm, tiêu biểu để nhân rộng, học tập và làm theo. Cần nhận thức và hành động đúng về xây dựng nông thôn mới: lấy 19 tiêu chí là mục tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc, xác định nhân dân là chủ thể, trực tiếp tham gia vào dự án từ khâu lập kế hoạch, thực hiện, giám sát, đánh giá dự án và là đối tượng hưởng lợi từ dự án.
Hai là, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực là nhân tố quyết định đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. “Cán bộ nào thì phong trào ấy”. Do đó, cần thực hiện thường xuyên việc rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ, để kịp thời kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các cấp, nhất là ở các xã, các thôn thuộc vùng “lõm” xây dựng nông thôn mới – những nơi không có điều kiện và khả năng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ba là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ Huyện ủy đến cấp ủy cơ sở, sự tập trung trong quản lý, điều hành của UBND huyện đến chính quyền cơ sở, phối với công tác với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là yếu tố rất quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới. Thực tế chỉ ra rằng, nơi nào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở quan tâm chỉ đạo, điều hành và cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thì nơi đó phong trào đạt kết quả cao.
Bốn là, việc lựa chọn thứ tự ưu tiên các tiêu chí để thực hiện, cấp ủy cơ sở cần rà soát, nắm rõ đặc điểm tình hình cơ sở, ngay từ khi lâp quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới cần tạo điều kiện cho người dân tham gia đóng góp ý kiến, lựa chọn tiêu chí nào dễ, cần ít kinh phí thì thực hiện trước.
Năm là, huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới phải cân đối để vừa đảm bảo thực hiện được mục tiêu, vừa huy động được sức dân và nguồn lực khác. Đề cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, chủ động lồng ghép các chương trình, lựa chọn những dự án cần ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tế tại các xã, các thôn. Xây dựng lại (bổ sung) các quy chế, hương ước phù hợp với phong tục tập quán từng thôn, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, làm căn cứ để nhân dân góp công, góp sức cùng xây dựng nông thôn mới. Như vậy, nguồn kinh phí để thực hiện chương trình sẽ có tính thực tiễn và hiệu quả hơn, người dân thể hiện vai trò nhiều hơn.
Sáu là, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới
Với những thành tích đã đạt được, những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với sự phấn đấu nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của nhân dân các dân tộc trong huyện sẽ là nguồn lực tổng hợp thực hiện thành công chương trình trong thời gian tới./.
 

[1] Cục thống kê tỉnh Tuyên Quang: Niên giám thống kê 2014, Nxb Thống kê, tr.25
[2] Báo cáo số 476-BC/HU ngày 17/10/2014 của Huyện ủy Yên Sơn về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020.
[3] Báo cáo sơ kết 5 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của UBND huyện Yên Sơn

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8087197

Đang Online : 3076