Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 3_2015

Ngày Đăng:11/8/2016 1:50:00 PM Lượt xem: 1172


Chiêm Hóa là huyện miền núi ở phía Đông Bắc tỉnh Tuyên Quang, tổng diện tích tự nhiên: 127.882,1 ha, 31.838 hộ, dân số 127.511 người, gồm 18 dân tộc (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 78%); toàn huyện có 25 xã và 01 thị trấn, 378 thôn, tổ nhân dân (trong số 11 xã thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2 của Chính phủ, 07 xã khu vực 2 có thôn 135; 5 xã thuộc vùng ATK). Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết số 27- NQ/TU ngày 23/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XV) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình hành động số 13-CTr/HU ngày 29/3/2012 về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 31/8/2012 về việc thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/HU ngày 29/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập 02 tổ công tác chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 02 xã điểm Kim Bình, Yên Nguyên.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, có hiệu quả của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân các dân tộc trong huyện, đến nay huyện Chiêm Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và đổi mới phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò gương mẫu trong việc thực hiện, quần chúng nhân dân đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm, vai trò của mình là chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới và tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều đổi mới, việc đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm: 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 95% dân số được nghe đài phát thanh; 85% dân số được xem truyền hình; 97% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 85% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; hệ thống trường lớp học, cơ sở y tế từng bước được kiên cố hóa... Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị ở cơ sở được quan tâm củng cố, tăng cường, vị thế của giai cấp nông dân được nâng cao, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.
Kết quả cụ thể trong thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nông thôn mới ở huyện Chiêm Hóa như sau:
 Công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới các xã: 25/25 xã đã được phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới; phê duyệt và công bố Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hạn chế: chưa thực hiện được việc cắm mốc chỉ giới các công trình theo quy hoạch đã phê duyệt; chưa ban hành được Quy chế quản lý quy hoạch.
 Việc đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị: Phát triển hệ thống giao thông nông thôn: Hệ thống giao thông thường xuyên được duy tu bảo dưỡng, đảm bảo giao thông thông suốt; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 377/378 thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn đạt 97,7%, còn 01 thôn chưa có đường ô tô đến trung tâm (thôn Lăng Quăng, xã Tri Phú). Tổ chức triển khai khởi công và hoàn thành một số dự án trọng điểm như: Đường Chiêm Hoá - Trung Hoà - Nhân Lý; nâng cấp đ­ường Nà Rùng - Nậm Bún xã Hà Lang; Đường tràn Ngòi Nhụng, xã Yên Nguyên. Thực hiện hiệu quả chương trình bê tông hoá đường giao thông nông thôn, tạo được sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện và huy động được nhân dân tích cực tham gia đóng góp ngày công và vật liệu, tự nguyện hiến đất để thi công, kết quả đã thi công tổng số 382,89km/280km đạt 136,7%, cụ thể: năm 2011: 145 km; năm 2012: 81,58 km; năm 2013: 96,31 km và 9 tháng đầu năm 2014: 60km.
Hệ thống thủy lợi được tập trung cải tạo, duy tu bảo dưỡng thường xuyên, toàn huyện có 699 công trình thuỷ lợi, 749 km kênh chính và kênh nội đồng. Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước qua các chương trình và nhân dân đóng góp đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi đầu mối, tích cực kiên cố hoá kênh mương, đến nay kênh mương xây 482 km/749km, đạt 64,3%, góp phần đảm bảo tưới chắc cho trên 4.000 ha/vụ lúa.
Hệ thống điện: Đầu tư xây dựng, nâng cấp các trạm biến áp cấp điện ở các xã Ngọc Hội, Phú Bình, Kiên Đài, Yên Lập, Hòa An, Phúc Sơn, tích cực cải tạo lưới điện, nhận bàn giao từ hợp tác xã chuyển sang; thực hiện hoàn thiện và đưa vào hoạt động công trình thủy điện Chiêm Hóa tại thôn Bắc Ngõa, xã Ngọc Hội; hiện nay toàn huyện có 97% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Xây dựng trụ sở: Hoàn thành việc xây dựng mới trụ sở nhà làm việc của Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể xã Ngọc Hội, Kim Bình; đang xây dựng trụ sở nhà làm việc xã Linh Phú.
Từng bước xây dựng đạt chuẩn hệ thống các nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn bản. Đến nay có 21/25 xã có nhà văn hóa (21/21 nhà xây kiên cố, trong đó nhà văn hóa xã Kim Bình đạt chuẩn); nhà văn hóa thôn có 337/355 thôn có nhà văn hóa, trong đó đạt chuẩn 27 nhà.
Cơ sở vật chất ngành y tế: Mạng lưới y tế được củng cố từ huyện đến thôn bản; đội ngũ cán bộ y tế được bổ sung về số lượng, chất lượng được nâng lên; từng bước nâng cấp, sửa chữa Bệnh viện đa khoa huyện và các Phòng khám Đa khoa khu vực phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.       
 Việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung: Hằng năm Huyện ủy đều có Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội của huyện; đề ra các giải pháp chỉ đạo Uỷ ban nhân dân huyện, Đảng ủy các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá; xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án phát triển sản xuất và đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: lạc, đỗ tương, vùng mía nguyên liệu; dự án chăn nuôi lợn hướng nạc giai đoạn 2012-2015, mô hình dự án nuôi trâu, bò nhốt, dự án phát triển chăn nuôi trâu giống chất lượng cao tại xã Vinh Quang.  
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn:  Chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình lao động - việc làm, kết quả: Năm 2011 tạo việc làm cho 4.149 lao động; năm 2012 tạo việc làm cho 3.119 lao động; năm 2013 tạo việc làm cho 2.862 lao động; năm 2014 tạo việc làm cho cho hơn 3.000 lao động.
 Việc phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, chú trọng bảo vệ môi trường: Công tác giáo dục - đào tạo của huyện đã được Huyện ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; cùng với các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, huyện đã chú trọng triển khai thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học. Huyện đã xây dựng mới 99 phòng học (76 công trình từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổng kinh phí 24.251,1 triệu đồng, 23 công trình từ các nguồn vốn lồng ghép khác).
Chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên; tỷ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm đều tăng; số học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học năm sau cao hơn năm trước, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, duy trì và giữ vững 15 trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn; năm 2014, xây dựng 2 trường đạt chuẩn quốc gia: Trường THCS Yên Nguyên và trường mầm non Kim Bình.
Công tác y tế: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt trên 70% dân số.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong tràoToàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Xây dựng và thực hiện Quy ước, hương ước thôn, tổ nhân dân.
Tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2014 ước đạt 80%. Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, kết quả: Đăng ký 2.188 hộ, được phê duyệt đủ điều kiện lắp là 1.667 hộ, đến hết tháng 9/2014 đã lắp đặt xong 955 hầm Biogas, giải ngân được 803 hộ.
 Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; bảo đảm an ninh trật tự ở nông thôn:  Huyện ủy luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, gắn với củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở và đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể. Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
 Xây dựng Nghị quyết số 28-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Chú trọng công tác bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức. Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đào tạo chuyên môn từ Trung cấp trở lên đạt 96,2 % (Đại học, Cao đẳng chiếm 50,1 %) đã góp phần chuẩn hóa cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện theo quy định.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân đối với xây dựng nông thôn mới:  Huyện ủy đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện và chỉ đạo Uỷ ban nhân dân huyện, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các chi, đảng bộ cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Uỷ ban nhân dân huyện tăng cường công tác điều hành, quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các lớp tập huấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập huấn nghiệp vụ xây dựng kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện chương trình và xây dựng các dự án phát triển sản xuất...cho thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý cấp xã và Ban Phát triển thôn tham gia. Thành lập và bổ sung kiện toàn kịp thời Ban Chỉ đạo các cấp để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện chỉ đạo Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã xác định thôn làm điểm để chỉ đạo về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả các nguồn vốn tín chấp do các tổ chức hội quản lý nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của hội viên. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể huyện hàng năm xây dựng kế hoạch xác định nhiệm vụ cụ thể để tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, nông nghiệp và nông thôn phát triển còn thiếu đồng bộ và khoa học. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mạnh sản xuất hàng hoá... Trước tình hình đó, việc đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là hết sức cần thiết và cấp bách. Huyện Chiêm Hóa đã xác định những nhiệm vụ cần thực hiện tốt trong thời gian tới, đó là:
 
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cùng tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Chỉ đạo các xã hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch được duyệt; ban hành quy chế quản lý quy hoạch theo quy định.
- Tích cực vận động nhân dân phát huy nội lực chủ động tiến hành chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, cải tạo vườn tạp, quy hoạch bố trí lại các công trình vệ sinh (giếng nước, bể nước, nhà vệ sinh, nhà tắm...), chuồng trại chăn nuôi của từng hộ, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; bố trí sắp xếp lại bàn ghế, giường tủ, đồ gia dụng trong nhà. Tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án từng bước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như: bê tông hoá đường giao thông nông thôn, xây dựng các đập thủy lợi đầu mối, các tuyến mương nội đồng chính, công trình cấp nước tập trung, lưới điện, cơ sở vật chất như: trụ sở xã, nhà văn hóa xã, trạm y tế, trường lớp học đạt chuẩn quốc gia.
- Tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với quy hoạch của từng xã, từng vùng sản xuất. Củng cố các hợp tác xã nông lâm nghiệp để hoạt động có hiệu quả và đúng luật. Phát triển nhanh các loại hình kinh tế trang trại, doanh nghiệp, tổ hợp tác ở nông thôn. Tăng cường phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch; thu hút đầu tư khai thác thế mạnh về phát du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.
- Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng kế hoạch và thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển giáo dục, y tế, văn hóa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần dân cư nông thôn, chú trọng bảo vệ môi trường.
- Củng cố và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở nông thôn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chú trọng hiệu lực quản lý của chính quyền, hiệu quả hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở. Chủ động nắm chắc địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn.
 

Theo Báo cáo kết quả việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 của Huyện ủy Chiêm Hóa.
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8087837

Đang Online : 3716