Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 3_2015

Ngày Đăng:11/8/2016 1:51:00 PM Lượt xem: 1068


Hàm Yên là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Tuyên Quang 42km về phía Bắc, tổng diện tích tự nhiên là 90.0054,6 ha, huyện có 17 xã, 01 thị trấn với 321 thôn, bản, tổ nhân dân và 28.735 hộ dân. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động đề ra những phong trào sát thực, phù hợp và vận động đoàn viên, hội viên trong toàn huyện chung tay xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình. Thông qua phong trào thi đua của các đoàn thể nhân dân, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến của đoàn viên, hội viên trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng ngày càng được nhân lên.
Tích cực hưởng ứng phong trào “Thanh niên Tuyên Quang chung tay xây dựng nông thôn mới” do các cấp bộ Đoàn phát động và căn cứ vào điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, đoàn viên Lương Văn Đại chi đoàn thôn 4 Thuốc Hạ thuộc Đoàn xã Tân Thành đã lựa chọn hướng phát triển kinh tế là cây cam - một loại cây đặc sản quý có giá trị kinh tế cao của huyện Hàm Yên kết hợp với chăn nuôi để phát triển kinh tế đã đem lại cho gia đình anh thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Từ năm 2007, nhận thấy tiềm năng và điều kiện đất đai của gia đình phù hợp với việc phát triển cây cam và chứng kiến nhiều hộ gia đình ở đây có thu nhập ổn định từ cây cam, cùng với vài trăm gốc cam đã trồng từ trước, gia đình anh tiếp tục đầu tư trồng thêm 800 gốc Cam sành nâng tổng số lên trên 1.000 gốc cam. Nhờ chăm sóc cây cam theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là áp dụng sản xuất cam theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm nên năng suất và sản lượng cam của gia đình anh tăng qua từng năm, Năm 2014 gia đình anh thu nhập 800 triệu đồng từ trồng cam. Ngoài trồng cam anh còn nuôi thêm trên 500 con gà thả vườn và 10 con trâu sinh sản. 
 Từ mô hình này, gia đình anh Đại đã có thu nhập ổn định vươn lên trở thành hộ khá, giàu và là một trong những mô hình kinh tế của thanh niên điển hình ở địa phương. Không chỉ chịu khó, biết cách làm ăn phát triển kinh tế, anh Đại còn là một Bí thư chi đoàn thôn nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động xã hội ở địa phương. Bên cạnh việc phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, anh Đại còn tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên trong xã phát triển kinh tế, làm giàu ngay tại địa phương.
Khác với anh Đại, chị Trần Thị Hồng là hội viên thuộc chi hội phụ nữ thôn Làng Chẵng xã Hùng Đức - một tấm gương của nghị lực, tinh thần vượt khó, tích cực lao động sản xuất để vươn lên làm giàu chính đáng cho gia đình.
Khi mới lập gia đình chị Hồng cùng chồng làm lụng vất vả để kiếm sống, mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng. Đứng trước khó khăn đó, không nản trí chị đã động viên chồng bắt tay gây dựng lại cuộc sống. Từ sách báo, nghe đài kết hợp với việc tham quan, tìm hiểu các mô hình làm kinh tế trong và ngoài huyện do hội liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức, chị đã mạnh dạn áp dụng kiến thức tiếp thu được vào điều kiện của gia đình mình theo hướng vườn - chuồng - rừng (VCR)
      Năm 2010, chị đã mạnh dạn vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Yên đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn thịt. Mỗi ngăn nuôi từ 7 đến 10 con. Cùng với đó chị đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, phương thức chăn nuôi, chủ động phòng bệnh cho vật nuôi, thường xuyên tiêm vắc xin, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đồng thời chị tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức để tiếp thu những kỹ thuật chăn nuôi áp dụng vào thực tế nhà mình. Nhờ chăm sóc chu đáo nên đàn lợn phát triển tốt. Cuối mỗi lứa lợn khi xuất chuồng, chị thu lãi gần 60 triệu đồng. Tận dụng diện tích chuồng trại rộng chị chăn nuôi thêm gà, vịt vừa phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình, vừa bán để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài ra chị tận dụng diện tích đồi tạp quanh nhà đầu tư trồng 4 ha rừng toàn bộ là giống keo. Đến nay, rừng của chị đã được 5 tuổi, hứa hẹn cho thu nhập cao. 
        Nhờ phát triển kinh tế đúng hướng, gia đình chị Hồng đã làm lại nhà, mua sắm được những vật dụng, tiện nghi sinh hoạt cần thiết cho gia đình như: Tivi, tủ lạnh… và có điều kiện chăm lo cho các con học tập. Không những chỉ biết làm kinh tế cho gia đình, chị Hồng luôn sẵn sàng giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất....cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đánh giá là một phụ nữ gương mẫu, tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Đối với những người lính, khi rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường họ vẫn luôn phát huy tinh thần anh bộ đội Cụ Hồ, khắc phục khó khăn tích cực chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trở thành những công dân gương mẫu ở nhiều khu dân cư. Trong các gia đình đó có gia đình anh Tống Đăng Thạo, hội viên chi hội Cựu chiến binh thôn Quang Thái 1, xã Thái Hòa. Tháng 3 năm 1987, anh Thạo nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc lên đường nhập nhập ngũ với khí thế hào hùng của tuổi trẻ và đến tháng 9 năm 1989 anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Ngày mới xuất ngũ, hoàn cảnh kinh tế gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn vì ruộng ít, tư liệu sản xuất không có nên anh Thạo bàn với vợ thuê đất ở khu vực km 27, với nghề may mặc sẵn có trong tay, 2 vợ chồng anh cùng nhau lao động sớm tối vượt khó vươn lên làm giàu. Nhận thấy ở địa phương nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng khá tốt, anh quyết định kinh doanh thêm một số mặt hàng có giá trị kinh tế cao như: Dịch vụ cưới hỏi, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp… Được Hội Cựu chiến binh xã đứng ra tín chấp để anh vay 50 triệu đồng từ ngân hàng lấy vồn đầu tư kinh doanh. Sau 5 năm kinh doanh anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong những lĩnh vực này do vậy cửa hàng dịch vụ của gia đình anh Thạo thu hút được nhiều khách hàng trong xã và nhiều địa phương khác.
 Nhờ vậy mà doanh thu từ hoạt động kinh tế của gia đinh anh tăng liên tục, nếu như doanh thu năm 2008 đạt gần 175 triệu đồng thì năm 2014 tăng lên gần 700 triệu đồng. Hiện nay, mô hình kinh tế gia đình Thạo đã đạt tổng số vốn đầu tư là gần 3 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho kinh doanh là 1,5 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cho dịch vụ cưới hỏi 300 triệu đồng, vật liệu xây dựng 400 triệu đồng, thức ăn gia súc 350 triệu đồng, vật tư nông nghiệp khác 400 triệu đồng và đầu tư cho cửa hàng tạp hóa 50 triệu đồng.
Với mô hình kinh tế tổng hợp, anh Thạo tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động có mức thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. Nhờ số tiền tích lũy anh đã xây cất được nhà, với nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, anh đã mua được các phương tiện sản xuất hiện đại phục vụ nhu cầu cho đời sống gia đình. Với tinh thần tự lực, tự cường của người lính Cụ Hồ, trước mọi khó khăn thử thách anh Thạo vẫn không lùi bước và ngày càng có ý chí vươn lên phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội.
Là người nông dân cần cù, một nắng hai sương trên đồng ruộng anh Nông Văn Thắng, dân tộc Tày, hội viên nông dân Chi hội thôn Đồng Gianh, xã Đức Ninh là người gắn bó và làm giàu từ trồng cây ăn quả. Sau một thời gian thử nghiệm trồng một số cây truyền thống ở địa phương như sắn, mía, chè... anh nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao. Anh đã tham khảo, thăm quan thực tế và đi đến quyết định chọn cây ăn quả là hướng chủ yếu phát triển kinh tế gia đình. Bước đầu anh trồng 3.000 nghìn cây đu đủ và trồng cây hồng Lục Yên. Nhờ chăm sóc cây đúng kỹ thuật, cây hồng và cây đu đủ đều sai quả và cho thu nhập khá. Năm được mùa, gia đình anh thu được từ 200 đến 300 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình trồng cây, anh Thắng nhận thấy, cây hồng càng phát triển, việc chăm sóc càng khó khăn, nếu không sử dụng thuốc đúng thời điểm quả sẽ bị hỏng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế. Vì vậy, anh mạnh dạn chuyển sang trồng cây bưởi Diễn.
Nói là làm, anh Thắng một mình xuống Hà Nội và mua 100 cây bưởi Diễn về trồng. Anh chia sẻ, cây bưởi thấp, dễ chăm sóc lại được thị trường ưa chuộng vì bưởi Diễn có vị ngọt, mát rất đặc trưng. Quá trình chăm sóc cây bưởi chỉ cần bảo đảm đúng định kỳ, muốn cho quả bưởi to đều thì khi quả còn nhỏ cần tỉa bớt để cho những quả còn lại phát triển tốt. Đặc biệt, thời gian sinh trưởng và phát triển của cây bưởi có thể kéo dài tới 40 năm. Sau 3 năm, anh Thắng đã có được thu nhập từ cây bưởi, có năm được mùa bình quân mỗi cây bưởi có khoảng 100 quả, anh thu được hơn 150 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Thắng còn phát triển chăn nuôi gà, nuôi cá và trồng cây gỗ sưa. Với những kinh nghiệm thu được từ trồng cây ăn quả, anh Thắng tham gia và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Làm vườn tỉnh. Năm 2001, anh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã. Tham gia Ban Chấp hành Hội Nông dân xã, anh Thắng luôn nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động Hội. Hội viên nào có nhu cầu phát triển trồng cây ăn quả anh đều nhiệt tình giúp đỡ về cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Năm 2009 được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”. Năm 2011, anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”; nhiều năm liên tục anh Thắng được công nhận đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi” cấp huyện....                                                       
Có thể khẳng định, phong trào phát triển kinh tế của các tổ chức đoàn thể nhân dân ở cơ sở với sự tham gia tích cực của các đoàn viên, hội viên đã thực sự là hành động thiết thực, hiệu quả đóng góp vào kết quả của huyện Hàm Yên trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới./.
 
 
 
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Báo cáo của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Tân Thành năm 2014
2.Báo cáo của Hội LHPN xã Hùng Đức năm 2014
3.Báo cáo của Hội CCB xã Thái Hòa năm 2014
4.Báo cáo của Hội Nông dân xã Đức Ninh năm 2014

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8087264

Đang Online : 3143