Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 1_2015

Ngày Đăng:4/30/2016 10:33:00 PM Lượt xem: 1603

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TÀY Ở TUYÊN QUANG
 
Phùng Thị Khánh Lệ  
Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính xã Tân An (Chiêm Hóa).
(nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 03/02/2015)
 
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao”. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" tiếp tục khẳng định: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học" . Như vậy, việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
          Bản sắc văn hoá dân tộc là những yếu tố độc đáo, đặc sắc của một nền văn hóa, biểu hiện “đặc tính dân tộc”, “cốt cách dân tộc”, tạo nên sức mạnh cố kết, duy trì và phát triển đời sống của dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc là dấu hiệu cơ bản để phân biệt nền văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, quốc gia này với quốc gia khác. Bản sắc văn hóa dân tộc được biểu hiện qua các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, vật thể và phi vật thể.
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi có 22 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Tày là có số dân đứng thứ hai sau dân tộc Kinh. Trước sự vận động và biến đổi điều kiện kinh tế - xã hội, sự tác động của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa hiện nay, đã ảnh hưởng không nhỏ đến bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có dân tộc Tày. Việc giữ gìn bản sắc văn hoá từng dân tộc đang là vấn đề hết sức thời sự được đặt ra hiện nay.
Bên cạnh những nét chung của truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình thương yêu con người, tinh thần cố kết cộng đồng, tương thân, tương ái, ham học hỏi,…văn hoá  dân tộc Tày ở Tuyên Quang còn có những nét riêng mang dấu ấn độc đáo, có thể khái quát một số nét đặc trưng như sau:
   Thứ nhất, văn hoá dân tộc Tày là một loại hình văn hoá gắn với nền nông nghiệp lúa nước thể hiện trong kiến trúc nhà ở, trang phục, văn hoá ẩm thực….
Thứ hai, văn hóa dân tộc Tày được thể hiện qua văn hóa phi vật thể: tổ chức bản, dòng họ, hôn nhân, tang ma, tôn giáo - tín ngưỡng, tục kết tồng, văn nghệ dân  gian đặc sắc như Then, Cọi, hát quan làng, hát phong slư...
 Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở Tuyên Quang là một việc làm đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm củng cố và phát triển ý thức dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; phát huy tốt hơn nguồn lực nội sinh của đất nước; tạo nền tảng cho hội nhập, hợp tác, phát triển bền vững; thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nền văn hóa  tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở Tuyên Quang, tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Một là, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo là điều kiện quan trọng để đảm bảo hiệu quả công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Tày.
Hiện nay Tuyên Quang vẫn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, trình độ phát triển kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế chưa hợp lý…điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc Tày. Vì vậy, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo được khẳng định là cơ sở quan trọng hàng đầu để phát triển văn hóa.
 Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử văn hoá truyền thống, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc Tày ở tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
Tăng cường giáo dục lịch sử văn hoá truyền thống của dân tộc Tày để mỗi người đều tự hào và có ý thức trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng.
Đồng thời, cần phải nâng cao trình độ hiểu biết về lịch sử dân tộc, về khoa học hiện đại; giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... đào tạo những con người có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực và trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu sự nghiệp cách mạng, qua đó sẽ góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ba là, Tăng cường quản lý, phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày ở tỉnh Tuyên Quang.
Để làm tốt công việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc Tày ở Tuyên Quang. Trước hết phải điều tra nghiên cứu, sưu tầm những di sản văn hoá của dân tộc Tày từ đó đưa ra các kết luận có cơ sở khoa học và có sức thuyết phục về bản sắc văn hoá của dân tộc Tày. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc Tày, đầu tư kinh phí cho hoạt động sưu tầm, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Tày một cách thoả đáng.
Xây dựng các câu lạc bộ Then, cọi, hát quan làng, hát phong slư... nhằm thu hút đông đảo nhân dân, tạo nên một phong trào văn hóa văn nghệ rộng khắp trong quần chúng. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" ở khu dân cư.
Bốn là, Quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác văn hoá được học tập, nâng cao trình độ, tạo động lực cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Tày ở tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá và cán bộ quản lý văn hoá là nhân tố có vai trò quyết định đến hiệu quả công việc gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc Tày. Để có đội ngũ cán bộ làm văn hóa có chất lượng cần phải xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số, tuyển chọn những người có trình độ chuyên môn, được đào tạo chính quy. Phát huy vai trò của những nghệ nhân dân gian trong việc lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, cần có chế độ thoả đáng về lương, phụ cấp, khen thưởng..., ưu tiên và tăng chi ngân sách cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
          Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở tỉnh Tuyên Quang phải triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của tộc người Tày ở tỉnh Tuyên Quang hiện nay./.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278037

Đang Online : 229