Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 1_2015

Ngày Đăng:4/30/2016 10:36:00 PM Lượt xem: 1406

TRAO ĐỔI VỀ HOẠT ĐỘNG THAO GIẢNG, DỰ GIỜ
Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
Phùng Thị Hà
Giảng viên khoa Xây Dựng Đảng
 
Trong môi trường giáo dục, dù là giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp hay giáo dục lý luận chính trị thì chất lượng giảng dạy phải luôn được đặt lên hàng đầu. Để nâng cao chất lượng giảng dạy thì ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, công tác kiểm tra đánh giá thì cần chú ý đến hoạt động thao giảng, dự giờ. Thực tế cho thấy môi trường giáo dục nào có sự quan tâm, đầu tư cho công tác thao giảng, dự giờ, xây dựng kế hoạch, tổ chức bài bản, đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc, khách quan đều có sự tác động không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung của nhà trường.
          Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, thực hiện nhiệm vụ chính trị là đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho toàn tỉnh. Đối tượng học viên bao gồm nhiều trình độ chuyên môn khác nhau, trong đó có nhiều học viên  là cán bộ lãnh đạo và dự nguồn lãnh đạo của của các cấp trong tỉnh, vì vậy chất lượng giảng dạy lý luận chính trị được nhà trường đặc biệt quan tâm. Những năm qua, ngoài việc tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học; cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng, phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, nhà trường còn rất chú trọng đến hoạt động thao giảng, dự giờ, coi đây là hoạt động chuyên môn thường xuyên để nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường và là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng, đánh giá xếp loại viên chức cuối năm cho giảng viên.
Hoạt động thao giảng, dự giờ của nhà trường có nhiều ưu điểm nổi bật. Trước hết, đối với giảng viên tham dự, thông qua hoạt động này các giảng viên chủ động, tích cực hơn trong việc đầu tư kiến thức lý luận cũng như vận dụng kinh nghiệm thực tiễn vào bài giảng, làm cho bài giảng thêm sinh động, nâng cao được chất lượng bài giảng. Cũng thông qua thao giảng, dự giờ giảng viên tự đánh giá khả năng, năng lực chuyên môn của mình đồng thời học hỏi được từ đồng nghiệp  kiến thức kĩ năng, phương pháp, cách thức tổ chức lớp học….để từ đó nâng cao nghiệp vụ sư phạm, rèn luyện nhân cách nhà giáo, tinh thần trách nhiệm, nỗ lực ý chí, tính kiên trì, lòng tự tin, phấn đấu vươn lên để trở thành giảng viên dạy giỏi cấp trường và giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố. Qua từng năm tỷ lệ giảng viên giỏi của nhà trường ngày càng được nâng lên, kết thúc năm học 2014 trường đã có 18/41 giảng viên đứng lớp đạt giảng viên dạy giỏi cấp trường. Từ đội ngũ giảng viên dạy giỏi này, nhà trường đã lựa chọn được những giảng viên xuất sắc tham gia cuộc thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, qua các đợt thi từ năm 2004 đến nay, nhà trường đã có 10 giảng viên tham dự và đều được công nhận là giảng viên dạy giỏi và giảng viên xuất sắc. Kết quả này góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và chất lượng giáo dục nói chung của nhà trường.
Từ hoạt động thao giảng, dự giờ Ban Giám hiệu, nắm bắt được khả năng giảng dạy của từng giảng viên trong trường, xác định được thực trạng của việc giảng dạy để phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế vướng mắc trong giờ dạy trên lớp, từ đó điều chỉnh kịp thời những sai lệch cho giảng viên. Thông qua kết quả thao giảng, dự giờ cho phép Ban Giám hiệu đi đến những quyết định tốt nhất để xếp loại và công nhận giảng viên dạy giỏi cấp khoa, cấp trường, đồng thời giúp cho lãnh đạo nhà trường sử dụng đúng người, đúng việc phát huy được năng lực sở trường của mỗi giảng viên.
Bên cạnh những ưu điểm, hoạt động thao giảng dự giờ của nhà trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế như chưa tổ chức thành hội thi trong nhà trường, một số ít bài thao giảng lặp lại bài của năm trước, một số giảng viên tham dự thao giảng chưa sử dụng đa dạng các phương pháp giảng dạy tích cực, chưa dành thời gian cho việc tổ chức rút kinh nghiệm sau khi nghe giảng mà mới chỉ dừng lại ở việc tổng hợp phiếu, tổng hợp các ý kiến góp ý…
Để thực hiện tốt thao giảng, dự giờ và làm cho hoạt động này thực sự  mang lại hiệu quả, thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng giảng dạy của nhà trường cá nhân xin đề xuất một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, nên tổ chức thao giảng, dự giờ với quy mô lớn hơn, thành một hội thi mang tên “Hội thi giảng viên dạy giỏi” trong nhà trường. Xây dựng quy chế riêng cho hội thi, lập kế hoạch cố định, đồng nhất về thời gian, thành phần giám khảo đối với tất cả các giảng viên dự thi, thành phần dự nghe có thể mở rộng đến cả đối tượng học viên (mỗi lớp ít nhất cử 5 đến 10 người) để đưa họ tham gia vào hoạt động chung của nhà trường, kết thúc hội thi có tổng kết, trao giải trong đó chia rõ các thang bậc giải; nhất, nhì, ba và khuyến khích để giảng viên biết mình đang ở mức nào và cũng để tạo ra động cơ cố gắng phấn đấu vươn lên hoàn thiện mình qua từng mùa thi cho giảng viên.
Thứ hai, cần nghiên cứu, thay đổi những quy chế cũ về thao giảng, dự giờ không còn phù hợp, ví dụ quy chế về đăng ký bài dự thi; quy chế về thành phần nhận xét bài giảng, có tiêu chí cụ thể về thành phần nhận xét, ngoài việc là thành viên của hội đồng khoa học nhà trường phải là giảng viên dạy giỏi lâu năm, có kinh nghiệm, thẳng thắn, khách quan và công tâm.
Thứ ba, cần phải tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt thao giảng, dự giờ. Ở đó các giảng viên tham dự sẽ được Ban giám khảo- những thành viên trong hội đồng khoa học nhà trường đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm để thấy ưu điểm cần phát huy và hạn chế phải khắc phục để hoàn thiện mình hơn về kiến thức chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm. Đây là nội dung quan trọng nhất trong công tác thao giảng, dự giờ. Việc đánh giá, nhận xét nếu được trao đổi thẳng thắn, chân tình không mang nặng việc “bới móc” các hạn chế, khuyết điểm sẽ giúp các giảng viên tham dự tin tưởng hơn vào hoạt động thao giảng và coi đây là sân chơi bổ ích để rèn luyện bản thân, nâng cao chất lượng giảng dạy của cá nhân từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường và góp phần tăng cường khối đoàn kết trong nội bộ trường. Đồng thời thông qua hội nghị tổng kết, đánh giá Hội đồng khoa học nhà trường cũng có điều kiện để rút kinh nghiệm về khâu tổ chức và về những vấn đề nảy sinh trong mỗi đợt  thao giảng, dự giờ.
Tóm lại, thao giảng dự giờ là hoạt động chuyên môn cần thiết, không thể thiếu trong môi trường giáo dục đặc biệt là môi trường giáo dục lý luận chính trị. Đây không chỉ là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của nhà trường mà còn là hoạt động tạo nên sự đoàn kết thống nhất giữa các đồng nghiệp với nhau. Là một giảng viên trẻ, luôn mong muốn có điều kiện và động lực để nâng cao chất lượng giảng dạy của cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường, xin mạnh dạn trao đổi một số ý kiến cá nhân về công tác thao giảng, dự giờ của nhà trường  và đề xuất một số nội dung để nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác này trong thời gian tới.
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277931

Đang Online : 123