Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:5/3/2016 10:38:00 AM Lượt xem: 1655

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
QUẢN LÝ HỌC VIÊN Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG

 
Lê Minh Phương
 Phòng Đào tạo

 
Giờ học tập của học viên lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên K59, năm 2015
 
Quản lý học viên là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Trong thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng đến nâng cao chất lượng công tác quản lý học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường, góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.
Năm 2015, nhà trường đã quản lý 03 lớp đào tạo Cao cấp lý luận chính trị - hành chính với 294 học viên; 10 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 1044 học viên; Bồi  dưỡng và cấp chứng chỉ: 01 lớp ngạch chuyên viên chính với 74 học viên; 03 lớp ngạch chuyên viên với 260 học viên; 01 lớp ngạch cán sự với 37 học viên. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng 4 cho 525 học viên.
Hoạt động quản lý học viên đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Tuy nhiên, hoạt động quản lý học viên hiện nay còn có những mặt hạn chế như: một số học viên đi muộn, bỏ về sớm, nghỉ học nhiều, còn có hiện tượng bỏ ra ngoài trong giờ học, việc quản lý học viên trong thời gian tự nghiên cứu chưa chặt chẽ....
Để công tác quản lý học viên đạt hiệu quả cao nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, trong thời gian tới Trường Chính trị tỉnh, trực tiếp là phòng Đào tạo cần tập trung vào một số giải pháp sau:
  Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế quản lý đào tạo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành như Quy chế chiêu sinh, Quy chế chủ nhiệm lớp, Quy chế học viên ban hành kèm theo Quyết định số 268/QĐ-HVCT- HCQG, ngày 03/02/2010. Trên cơ sở các quy chế do Học viện ban hành, nhà trường có thể ban hành các văn bản cụ thể hóa các nội dung quản lý đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế của trường. Cùng với đó là làm tốt công tác chiêu sinh đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, chức danh, quy hoạch.
            Hai là, tăng cường sự phối hợp trong công tác quản lý học viên giữa phòng Đào tạo, giáo viên chủ nhiệm lớp với các khoa chuyên môn, đặc biệt là với giảng viên trực tiếp lên lớp, cụ thể giảng viên lên lớp phải ghi đầy đủ thông tin vào sổ đầu bài của buổi giảng đó (tổng số học viên, số học viên vắng, số học viên đi muộn và ghi ý kiến nhận xét vào đó); cuối các buổi học có thể phản ánh trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm lớp về tình hình học tập của lớp. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị công tác và Trường Chính trị nơi học viên đang học tập.
Để công tác quản lý học viên có hiệu quả cả trong thời gian lên lớp và thời gian tự nghiên cứu, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học và Ban Chỉ đạo lớp học đối với các lớp tại huyện trong quản lý học viên. Định kỳ sau 2 phần học, nhà trường thông báo kết quả học tập và ý thức rèn luyện của học viên về cơ quan, đơn vị cử học viên đi học các nội dung: kết quả thi, kiểm tra; số ngày đi học; ý thức học tập, rèn luyện. Kết thúc khóa học, nhà trường thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học viên các lớp đào tạo về cơ quan, đơn vị, địa phương cử cán bộ đi học biết để cân nhắc, xem xét bố trí công tác sau khi cán bộ, công chức của mình học ra trường, nhất là đối với cán bộ đào tạo nguồn.
Ba là, kiên quyết xử lý những học viên không chấp hành tốt nội quy, quy chế học tập, rèn luyện đã được quy định. Những học viên đi muộn quá 15 phút thì không được vào lớp. Cuối phần học Phòng Đào tạo mà trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với các giảng viên lên lớp tổng hợp thời gian lên lớp của học viên để xét điều kiện thi, kiểm tra. Với những học viên nghỉ quá 10% số giờ lên lớp theo qui định đối với chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và 20% đối với các chương trình bồi dưỡng thì không được thi và phải tổ chức học bổ sung những bài thiếu cho tới khi đủ điều kiện mới được dự thi. Đối với những trường hợp nghỉ học nhiều (2 - 3 buổi liên tục) và không có lý do thì gửi công văn về cơ quan, đơn vị để phối hợp giải quyết, trường hợp đặc biệt có thể buộc thôi học. Có như vậy học viên mới xác định rõ trách nhiệm cũng như động cơ học tập đúng đắn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý học viên.
Bốn là, đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên, với phương châm gắn lý luận với thực tiễn, kết hợp sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống với phương pháp giảng dạy tích cực cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại làm cho bài giảng thêm phong phú, đa dạng, người học thực sự trở thành trung tâm của quá trình dạy học từ đó cuốn hút người học. Đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp để giáo viên chủ nhiệm lớp thực sự trở thành cầu nối giữa học viên với nhà trường, là người nắm bắt và phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của học viên đến nhà trường, qua đó có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình quản lý đào tạo.
Năm là, tổ chức thi kiểm tra một cách nghiêm túc, đảm bảo đúng quy chế, đánh giá đúng chất lượng, năng lực của học viên, từ đó học viên nâng cao ý thức học tập và rèn luyện. Tăng cường họp lớp để kịp thời nhắc nhở những học viên chấp hành chưa tốt quy định, quy chế, kết thúc mỗi phần học giáo viên chủ nhiệm lớp tổ chức họp lớp một lần để có giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại hạn chế trong học tập và rèn luyện của học viên.
Sáu là, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng: Công tác thi đua khen thưởng nhằm động viên học viên phấn đấu trong học tập và rèn luyện, chính vì vậy công tác thi đua khen thưởng cần thực hiện đúng quy chế, đảm bảo sự công bằng, dân chủ, thực chất, đúng đối tượng. Để thực hiện tốt giải pháp này thì vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp càng phải được tăng cường nhằm đảm bảo chính xác. Cùng với đó trong quá trình thẩm định khen thưởng cho học viên, Phòng Đào tạo cần phải bám sát vào kết quả học tập và rèn luyện của học viên thông qua ý kiến nhận xét của giáo viên chủ nhiệm lớp.
Thực hiện tốt những giải pháp trên chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý học viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm mà nhà trường được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277977

Đang Online : 169