Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:5/3/2016 10:39:00 AM Lượt xem: 1950

                                                 NỮ CÔNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
                                       VỚI PHONG TRÀO “GIỎI VIỆC NƯỚC - ĐẢM VIỆC NHÀ”NĂM 2015                                                                                                                                                   Phạm Thị Hoa
                                                                                     Phòng Đào tạo
          Phong trào thi đua "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" trong nữ công nhân viên chức - lao động (CNVC-LĐ) được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động năm 1989, là phong trào mang tính đặc thù về giới nhằm phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của nữ CNVC-LĐ trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng gia đình ấm no - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế xã hội và mục tiêu bình đẳng giới.
Nói về công tác phụ nữ và vai trò của nữ CNVC-LĐ, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Nam- nữ bình quyền"1. Người luôn căn dặn các cấp uỷ đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác vận động phụ nữ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Hơn 80 năm qua, quan điểm đó luôn được thể hiện rõ trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ.
 Tiếp tục thực hiện mục tiêu giải phóng phụ nữ, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khẳng định: "Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình; Tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ"2.
          Nhận thức rõ vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, những năm qua Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường đã quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để nữ giảng viên của nhà trường không ngừng phát triển về mọi mặt. Nhà trường hiện có 34 cán bộ nữ, sinh hoạt ở 07 tổ công đoàn. Chị em công tác ở nhiều bộ phận khác nhau, thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác. 100% nữ công nhân viên chức có lập trường tư tưởng vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình với phong trào thi đua trong công tác chuyên môn cũng như công tác vận động cán bộ nữ. Nữ công có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao: 28/34 đồng chí có trình độ đại học trở lên trong đó thạc sỹ 17 đồng chí; giảng viên chính 03 đồng chí; giảng viên là 19 đồng chí; trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước được đào tạo cơ bản (11 đồng chí có trình độ Cao cấp lý luận chính trị; 11 đồng chí hoàn thành chương trình Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính).
          Hằng năm đều có giảng viên nữ được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 2015 có 02 chị bảo vệ luận văn tốt nghiệp cao học đạt loại xuất sắc. Đó là yếu tố khẳng định năng lực của các chị trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
          Nữ công chiếm tỷ lệ khá cao 34/55 trong CNVC-LĐ, các phong trào "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan", "Giảng dạy tốt, công tác tốt", được triển khai thực hiện. Có thể nói Ban Nữ công nhà trường đã tập hợp các chị em tham gia và tăng cường sự đoàn kết, tương thân, tương ái ngay trong tổ chức, mỗi chị em phát huy được vai trò tích cực của mình trong hoạt động chuyên môn cũng như trong cuộc sống.
          Trong lĩnh vực giảng dạy, nữ cán bộ giảng viên luôn miệt mài với sự nghiệp, cụ thể hóa nội dung “Giỏi việc nước” bằng “Giỏi việc trường”, vận dụng kiến thức lý luận gắn liền với kiến thức thực tiễn vào bài giảng, chất lượng đào tạo của nhà trường ngày càng được khẳng định, nâng cao. Nhiều chị vượt lên khó khăn để phấn đấu, trưởng thành và được đề bạt, bổ nhiệm giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, trong công tác đảng, chính quyền, chuyên môn, đoàn thể chính trị - xã hội... như: Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Công đoàn nhà trường, Trưởng Ban Nữ công, Bí thư chi bộ, Trưởng, phó các khoa chuyên môn, phòng chức năng..... như chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, chị Đỗ Thu Hương, chị Phạm Thị Huệ, chị Nguyễn Thị Nguyệt Anh...  Các chị đều là những hạt nhân tiêu biểu chủ động đổi mới về phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hiệu quả phù hợp với từng đối tượng học viên. Ở tất cả các loại hình lớp học, các nữ giảng viên đã áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực với mục đích lấy “người học làm trung tâm”, phát huy khả năng sáng tạo của học viên, hướng dẫn học viên vận dụng lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn ở địa phương, ngành, lĩnh vực công tác. Đồng thời nữ giảng viên nhà trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực học tập, nghiên cứu tài liệu, cập nhật thông tin... nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiêu biểu như: Chị Hán Thị Hạnh Thúy, chị Trương Thị Thu Hà, chị Nguyễn Thị Mai ...   
Trong công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học được xem là nhiệm vụ thường xuyên của nữ cán bộ, giảng viên. 100% nữ giảng viên đã tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, viết bài trên Thông tin Lý luận và thực tiễn của nhà trường, các báo của địa phương với tinh thần trách nhiệm cao. Các đề tài nghiên cứu đã đi sâu vào những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong nhà trường, trong đời sống xã hội ở địa phương, đề xuất các giải pháp có tính khả thi. Nhiều chị em làm chủ nhiệm đề tài khoa học hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học các cấp: trong đó có 02 đề tài cấp tỉnh; 04 đề tài cấp trường; 02 đề tài cấp khoa, phòng được Hội đồng khoa học đánh giá cao. Các chị luôn tận tụy, hăng say với công việc vươn lên tự học, tự rèn luyện, thực hiện tốt chức trách của người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”.        
          Bên cạnh đó, các chị còn tham gia nhiệt tình các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao của Công đoàn các cấp phát động, tạo được khí thế thi đua trong cơ quan như: chị Vi Thị Thu Hiền; chị Trần Thị Phượng; chị Phùng Thị Hà... Quan tâm, chia sẻ thăm hỏi, động viên kịp thời đồng chí, đồng nghiệp khi có niềm vui cũng như chuyện buồn là việc làm thường xuyên của các chị.
 Không chỉ năng động, giỏi giang trong công tác chuyên môn, nữ công Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang còn khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
          Dù ở lĩnh vực, cương vị công tác nào, nhưng khi về với mái ấm gia đình, các chị lại tất bật với cuộc sống đời thường, làm tròn thiên chức của người phụ nữ Việt Nam. Họ luôn nhận thức sâu sắc rằng “Đảm việc nhà” là phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam, đó cũng là yêu cầu, là điều kiện và cơ sở để chị em có một gia đình hạnh phúc, phát huy truyền thống tốt đẹp đó, trong gia đình các chị là người quản lý giỏi, người tổ chức tài ba, vừa công tác vừa học tập, nuôi con, vừa tề gia nội trợ, động viên chồng cùng chia sẻ gánh vác công việc gia đình, giúp mình có điều kiện học tập, công tác. Các chị luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên khẳng định mình trong công tác chuyên môn và làm tròn thiên chức của người phụ nữ, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học hành thành đạt như: chị Phạm Thị Kim Hoa, chị Vũ Thị Sen, chị Nguyễn Thị Loan, chị Phí Thị Ngọc Anh ...  các chị là những người phụ nữ đã lo tròn bổn phận của người vợ hiền, người dâu thảo, người mẹ đảm đang. “Đảm việc nhà” không chỉ dừng lại trong phạm vi gia đình mà nữ công nhà trường còn là những công dân gương mẫu nơi cư trú, giữ mối quan hệ đoàn kết mật thiết, với tinh thần tương thân tương ái, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện ở địa phương. Đồng thời là lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khối phố văn hóa.        
 Phong trào “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" vừa là mục tiêu, vừa là động lực giúp nữ công nhà trường phấn đấu vươn lên trong công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đồng thời xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Với các thành tích đã đạt được, năm 2015 nhiều chị được công nhận các danh hiệu cao quý: 02 chị đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”; 08 chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Hiệu trưởng nhà trường tặng Giấy khen. 100% Nữ công nhà trường đạt danh hiệu “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”, trong đó 07 chị được Công đoàn nhà trường khen thưởng; 100% gia đình các chị đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Từ những kết quả trên, có thể khẳng định phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức nhà trường là một phong trào thi đua  góp phần tạo được những bước chuyển biến quan trọng để chị em phát huy phẩm chất và năng lực của mình. Phong trào "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" ngày càng khẳng định được ý nghĩa to lớn của nó, trở thành động lực phấn đấu trong quá trình công tác của chị em.
Để phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” ngày càng phát triển toàn diện cả bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa, Ban Nữ công nhà trường cần đẩy mạnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ  sau:
Một là: Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động nữ công. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, phản ánh với cấp ủy, chính quyền, công đoàn, có biện pháp giúp đỡ, động viên kịp thời.
Hai là: Đẩy mạnh công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nữ công nhân viên chức lao động. Quan tâm giám sát việc thực hiện chế độ chính sách dành riêng cho nữ theo quy định.
Ba là: Vận động nữ CNVC-LĐ tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ  chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.
Bốn là: Quan tâm đến các hoạt động xã hội: thăm, tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, các cháu tàn tật, học sinh nghèo vượt khó.
Năm là: Tiếp tục vận động nữ CNVC-LĐ tham gia và tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; tham gia các hoạt động xã hội từ thiện do các cấp, các ngành phát động.
          Để ngày càng khẳng định phong trào "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" là nét đẹp truyền thống trong nữ CNVC- LĐ, đồng thời góp phần nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trên nhiều lĩnh vực: Công tác chuyên môn, công tác xã hội và gia đình.
                                                                  ________________________________________
 
(1) Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1930
(2) Nghị quyết Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam (01/2011)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277981

Đang Online : 173