Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:6/2/2016 6:02:00 PM Lượt xem: 2638

VAI TRÒ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ II CỦA ĐẢNG
Bùi Hữu Thêm
Trưởng phòng NCKH – TT- TL
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951
 
Mùa xuân Tân Mão năm 1951, cách đây tròn 65 năm đã diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Đây là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức trong nước, cũng là Đại hội đầu tiên và duy nhất tổ chức ở một tỉnh ngoài Thủ đô Hà Nội. Với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của Đại hội, Người có vai trò quan trọng trong công tác chỉ đạo chuẩn bị, điều hành và xây dựng đường lối đúng đắn cho Đại hội đẩy mạnh cuộc kháng chiến kiến quốc đến thắng lợi hoàn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương với chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Bước sang năm 1950 trước những chuyển biến của tình hình thế giới và yêu cầu cách mạng trong nước, Đảng ta cần tổ chức Đại hội để lãnh đạo cuộc kháng chiến tiến tới thắng lợi. Các nước xã hội chủ nghĩa đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Thực tiễn lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp càng làm cho uy tín của Đảng được củng cố vững chắc trong nhân dân. Sau năm 1945 Đảng ta tuyên bố tự giải tán, chỉ lấy tên là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, thực chất là rút vào hoạt động bí mật để tránh mũi nhọn của kẻ thù và bảo toàn lực lượng. Đến nay trước yêu cầu, nhiệm vụ mới và sự lớn mạnh của Đảng đã đến lúc phải công khai hoạt động. Sự xuất hiện và hoạt động công khai của Đảng là nguồn động viên lớn trong nhân dân thúc đẩy cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời để tập hợp rộng rãi các lực lượng quần chúng và hạn chế sự tuyên truyền xuyên tạc của kẻ thù, Đảng cần có một cái tên mới. Đầu năm 1950, sau khi đi gặp các Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn với Trung ương đưa Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam. Những vấn đề lớn này phải do Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định. Trước những yêu cầu cấp thiết đó trong điều kiện chiến tranh ác liệt và những khó khăn của chiến khu Việt Bắc để tổ chức được Đại hội là điều không dễ dàng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng vẫn quyết tâm triệu tập Đại hội vào tháng 2/1951. Việc triệu tập Đại hội và định ra đường lối đúng đắn, kịp thời là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tích cực đẩy nhanh quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Đại hội trù bị của Đảng, quan tâm chỉ đạo sâu sát về công tác chuẩn bị văn kiện, công tác tổ chức, chương trình Đại hội... Đặc biệt là công tác chuẩn bị các văn kiện của Đại hội II, cùng với Người có đồng chí Trường Chinh và đồng chí Lê Văn Lương. Báo cáo chính trị do Người soạn thảo rất ngắn gọn, súc tích, văn phong giản dị nhưng chính xác, đầy đủ những vấn đề cần thiết. Việc chuẩn bị kỹ văn kiện có ý nghĩa quan trọng làm nên thành công của Đại hội, được các đại biểu đồng tình cao. Ngoài ra Người còn trực tiếp kiểm tra và xem xét công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho Đại hội như hội trường, đài tưởng niệm, nhà ở, bệnh xá, bếp ăn… cho các đại biểu về dự trong điều kiện hết sức khó khăn của chiến khu Việt Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, điều hành Đại hội II, hoạch định đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Với trí tuệ sáng suốt và kinh nghiệm dạn dày của lãnh tụ thiên tài trong nhiều năm bôn ba hoạt động cách mạng Người dự các phiên họp của Đại hội và tham gia thảo luận, truyền đạt cho các đại biểu kinh nghiệm tổ chức các đại hội Đảng quốc tế mà Người đã từng tham gia, chỉ đạo và hướng các đại biểu nghiên cứu, đi sâu thảo luận các vấn đề chính của các văn kiện trình bày tại Đại hội. Trong Thư gửi Đại hội trù bị Người yêu cầu các đại biểu trong thảo luận“không nên tầm chương trích cú như lối ông đồ nho”. Để các đại biểu tập trung vào nội dung trọng tâm Người chỉ rõ: “Đại hội ta là Đại hội kháng chiến. Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Vậy việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó”[1]. Vì thế: “Những ngày Đại hội là những ngày căng thẳng. Nhiều vấn đề gay go đã thu hút hết cả tâm trí mọi người. Đại hội là một cuộc miệt mài suy luận tập thể”[2]. Với phương pháp làm việc khoa học, Người đã chủ trì, định hướng để các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề trọng tâm trong chủ đề Đại hội, thống nhất cao và quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng cho cuộc kháng chiến tiến tới thắng lợi và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam.
Người trực tiếp trình bày Báo cáo chính trị trước Đại hội với những nội dung thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin và bao quát những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng. Đây là bản báo cáo do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo gồm 10 nội dung đầy đủ, rõ ràng, súc tích. Báo cáo khái quát tình hình thế giới trong 50 năm qua, điểm lại quá trình hoạt động của Đảng từ khi thành lập, những thành tựu đạt được và nêu những khuyết điểm, sai lầm về tư tưởng, lý luận, tổ chức và công tác chỉ đạo thực tiễn của Đảng. Trên cơ sở phân tích tình hình và nhiệm vụ mới, Người chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt của Đảng ta ngày nay là đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, còn các nhiệm vụ khác đều phải phụ thuộc vào nó. Và muốn thực hiện được nhiệm vụ đó, Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam”[3]
          Cuộc thảo luận của các đại biểu về vấn đề thành lập ở mỗi nước Đông Dương một đảng cộng sản riêng diễn ra căng thẳng, nhưng với sự phân tích hợp tình, hợp lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối cùng các đại biểu cũng được thống nhất và quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước một đảng cộng sản riêng. Đây là một quyết định mang tính lịch sử của phong trào giải phóng dân tộc 3 nước Đông Dương, chứng tỏ phong trào cách mạng ở các nước này đã trưởng thành và ngày càng lớn mạnh. Đây cũng là sự kiện đánh dấu sự trở lại trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về cách thức tổ chức Đảng Cộng sản (ngay từ Hội nghị thành lập Đảng Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), là một sự sửa chữa những hạn chế trong quan điểm của Đảng ta ở giai đoạn trước.          Về chủ trương đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam và đưa Đảng ra hoạt động công khai. Trước khi Đại hội tiến hành biểu quyết, Chủ tịch Hồ chí Minh đã dành nhiều thời gian để giải thích cho các đại biểu hiểu rằng Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của tất cả nhân dân lao động, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam nhưng bản chất giai cấp công nhân không có gì mâu thuẫn với đảng của giai cấp khi mới thành lập. Trong Báo cáo chính trị Người nêu rõ: trong giai đoạn kháng chiến: “quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của dân tộc là một. Chính vì vậy Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”[4]. Trên cơ sở đó Đại hội đã bỏ phiếu đổi tên Đảng với 98% số phiếu nhất trí. Quan điểm đó thể hiện rất rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng kiểu mới, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Đó là tư tưởng cốt lõi làm cơ sở để Đảng ta hiện nay vận dụng trong công tác xây dựng Đảng. Việc đưa Đảng ra hoạt động công khai, thành lập ở mỗi nước Đông Dương một đảng cộng sản riêng và đổi tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam là những quyết định sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại hội II đã xác định ba nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là “Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, làm cho Việt Nam hoàn toàn thống nhất và độc lập (phản đế); xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân (phản phong kiến); gây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội”[5]. Đại hội tiếp tục khẳng định đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Đặc biệt Bác Hồ được Đại hội tôn vinh và bầu làm Chủ tịch Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với đường lối đúng đắn đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời đóng góp vào kho tàng lý luận của Đảng. Qua đây thể hiện rõ vai trò cầm lái của nhà lãnh đạo thiên tài Hồ Chí Minh, những tư tưởng của Người có ảnh hưởng sâu sắc đến đường lối của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là linh hồn và có vai trò quyết định làm nên thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. HCM toàn tập, Nxb CTQG, H2004, tập 6, tr.149-150
2. Báo Nhân dân, số 1, ngày 11-3-1951.
3. Sđd, tr.174
4. Sđd,tr.175
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập,Nxb CTQG H,2001 t.12, tr.434

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278079

Đang Online : 271