Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:5/3/2016 10:40:00 AM Lượt xem: 1145

MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2015
                                                         
                                           Hán Thị Hạnh Thúy
                                          Phó Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
 
Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm phát huy quyền làm chủ và xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị;  phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân góp phần xây dựng và đổi mới của đất nước.  Nhận thức rõ vai trò của công tác này, trong những năm qua Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã quán triệt và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, do vậy việc thực hiện quy chế dân chủ ở nhà trường đã có những chuyển biến rõ nét, đội ngũ cán bộ, giảng viên đã phát huy quyền và trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của nhà trường.
Đặc biệt, năm 2015 để triển khai thực hiện Nghị định 04/2015/NĐ - CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Công văn 2933 - CV/TU của Tỉnh ủy Tuyên Quang về việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 04/01/20015 của Chính phủ và Quyết định số 202/QĐ-TCT ngày 28/5/2015 Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh đã ban hành Quyết định số 169/QĐ–TCT về việc kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và nhiều văn bản khác để tổ chức triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường. Do vậy, trường Chính trị tỉnh đã đạt được kết quả đáng khích lệ như sau:
Trong hoạt động lãnh đạo, quản lý: sau khi kiện toàn tổ chức, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện chuyên môn hóa,  phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban Giám hiệu theo Quyết định số 3260-QĐ/TU ngày 18/9/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang. Thông qua đó đề cao trách nhiệm và sự chủ động của mỗi đồng chí đối với lĩnh vực mà mình được phân công phụ trách. Đặc biệt, Ban Giám hiệu nhà trường luôn coi trọng sự tham mưu tích cực trong hoạt động chuyên môn của các khoa, phòng; lắng nghe kiến nghị, đề xuất của các khoa, phòng và đội ngũ cán bộ, giảng viên để kịp thời có biện pháp giải quyết công việc hợp lý, khoa học; những sáng kiến, đề nghị xác đáng của cán bộ, giảng viên được lãnh đạo nhà trường ghi nhận và triển khai thực hiện trên thực tế,  từ đó phát huy tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên từng bước nâng cao chất lượng trong mọi hoạt động của nhà trường
Trong quá trình làm việc, lãnh đạo nhà trường chủ trương văn bản hóa  đối với hoạt động chuyên môn của các khoa, phòng.  Hằng năm, Đảng ủy, Ban giám hiệu thực hiện chỉnh sửa, bổ sung các Quy chế, quy định trong nhà trường; trước khi ban hành các quy định, quy chế  Ban Giám hiệu tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, giảng viên, công nhân viên, các khoa, phòng  và thảo luận, bàn bạc một cách dân chủ, như: “Quy chế làm việc của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang”, “Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học”,” Quy định về hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên”, “Quy chế chi tiêu nội bộ” và các quy chế, quy định khác về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học… của nhà trường. Hàng tháng, quý, năm Ban Giám hiệu chủ động xây dựng kế hoạch, lịch làm việc trên cơ sở đó các khoa, phòng và từng cán bộ, giảng viên nắm chắc nội dung công việc, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, chủ động trong việc bố trí, sắp xếp thực hiện công việc một cách khoa học, hợp lý; quản lý, sử dụng trang thiết bị  làm việc, văn phòng phẩm một cách thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
Thực hiện tốt quy định tại Điều 7 và Điều 9, Quy chế thực hiện dân chủ của trường Chính trị, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm và chỉ đạo kịp thời thực hiện tốt dân chủ trong việc “biết”, việc “bàn”, việc “làm” và “kiểm tra” của đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên theo đó đội ngũ  cán bộ, giảng viên nhà trường kịp thời nắm bắt nội dung các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động của Nhà trường thông qua các buổi tọa đàm, các hội nghị công nhân, viên chức toàn trường hoặc thông qua các cuộc họp của từng khoa, phòng chuyên môn từ đó mỗi cán bộ, giảng viên chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời đối với giảng viên đưa nội dung các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được thể hiện rõ nét ở sự công khai, minh bạch trong các hoạt động  của nhà trường như: công tác  tuyển dụng cán bộ, đề bạt, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, sử dụng, mua sắm tài sản, trang thiết bị; xây dựng cơ sở vật chất (như sửa chữa Hội trường lớn, nhà lớp học,  ký túc xá của học viên…); sử dụng kinh phí  hoạt động (như chỉ tiêu nguồn tài chính do ngân sách cấp, các nguồn tài chính khác và việc quyết toán ngân sách  hàng năm), chế độ công tác, chế độ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế…Hình thức công khai thông qua Hội nghị cán bộ, giảng viên, công nhân viên toàn trường; thông qua các cuộc họp giao ban định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm của Ban Giám hiệu với lãnh đạo các khoa, phòng hoặc bằng hình thức gửi văn bản tới các đơn vị khoa phòng, các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Chi đoàn thanh niên)…Thông qua các cuộc họp mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi của đội ngũ cán bộ, giảng viên và  học viên đều được thảo luận, bàn bạc một cách dân chủ, khách quan với tinh thần thoải mái, cởi mở, mọi thành viên đều có thể bày tỏ ý kiến của mình để đi đến thống nhất theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “thiểu số phục tùng đa số”.
Tăng cường quyền chủ động trong hoạt động chuyên môn của đội ngũ giảng viên được thể hiện bằng việc ngay từ đầu năm Ban Giám hiệu đã chỉ đạo phòng Đào tạo dự thảo phân công bài giảng cho từng giảng viên và gửi về các khoa chuyên môn để thảo luận, bàn bạc trên cơ sở tôn trọng ý kiến, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy và sở trường công tác của từng giảng viên. Căn cứ phân công bài giảng đã được Ban Giám hiệu phê duyệt các khoa, phòng và giảng viên chủ động soạn, thông qua bài.
Công tác nghiên cứu khoa học cũng được nhà trường coi trọng, tổ chức một cách dân chủ, công khai. Ngay từ đầu năm Ban Giám hiệu chỉ đạo phòng Nghiên cứu khoa học -  Thông tin - Tư liệu tổ chức cho các khoa, phòng đăng ký nội dung nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, thao giảng, dự giờ… trên cơ sở đó các khoa, phòng chủ động xây dựng kế hoạch và sắp xếp thời gian tổ chức nghiên cứu thực tế, thực hiện đề tài khoa học, dự giờ đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên theo đúng quy trình, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của nhà trường. Năm 2015 nhà trường có 16 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường; 01 đề tài khoa học cấp tỉnh, 04 đề tài khoa học cấp trường và 02 đề tài cấp khoa được nghiệm thu và đạt loại xuất sắc.
Đối với việc giải quyết chế độ chính sách, thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở mà trong năm qua quyền lợi của cán bộ, giảng viên của nhà trường được đảm bảo, cụ thể: Ban Giám hiệu quan tâm, tạo điều kiện, họp xét hồ sơ và đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xét thăng hạng ngạch giảng viên chính cho 01 đồng chí giảng viên; vận dụng các chế độ chính sách có liên quan để đảm bảo quyền, lợi ích của từng cán bộ, giảng viên (nếu đầy đủ các điều kiện theo quy định), như: xét nâng lương và phụ cấp vượt khung cho 28 đồng chí, xét phụ cấp thâm niên nhà giáo cho 32 đồng chí.
Về công tác cán bộ: Việc tuyển dụng, quy hoạch, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm, khuyến khích và thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ trên cơ sở đánh giá đúng năng lực, trình độ chuyên môn và sở trường công tác của mỗi cán bộ, giảng viên, thực hiện phương châm  “dụng nhân như dụng mộc”. Năm 2015, nhà trường tuyển dụng 03 đồng chí cán bộ, giảng viên về trường công tác;  03 giảng viên bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ; 01giảng viên đi nghiên cứu sinh; 01 giảng viên đi học cao học, 01 giảng viên đi bồi dưỡng lớp kinh điển Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nhiều lượt giảng viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Ngoại giao tổ chức đã từng bước củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nhà trường.  Bên cạnh đó, công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ được nhà trường quan tâm và thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ, khoa học theo đúng quy trình, kết quả: Năm 2015 Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã giới thiệu và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm 01 đồng chí Phó Hiệu trưởng; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo các khoa, phòng: Bổ nhiệm 02 đồng chí Trưởng khoa, phòng; 03 đồng chí Phó Trưởng khoa. Tổ chức tốt việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dẫn của cấp trên.
 Công tác thi đua, khen thưởng cũng được tổ chức một cách dân chủ, công khai, trong năm qua nhà trường có 07 đồng chí đạt danh hiệu “chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”; 01 đồng chí đề nghị Tỉnh ủy tặng Bằng khen;  01 đồng chí được Hội đồng Thi đua khen thưởng nhà trường đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu “chiến sỹ thi đua cấp tỉnh” và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen; 51 đồng chí đạt danh hiệu “lao động tiên tiến”, 16 đồng chí  và 03 tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Hiệu trưởng nhà trường tặng Giấy khen; 04 tập thể  đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận tập thể lao động xuất sắc.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt điều 11 và điều 12 Quy chế thực hiện dân chủ của nhà trường quy định những việc học viên được biết và được tham gia ý kiến, 100% học viên các lớp được triển khai nội quy, quy chế học tập, rèn luyện, khen thưởng,  kỷ luật, quy chế thi, kiểm tra  theo quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,  được thông qua chương trình kế hoạch toàn khóa học và kế hoạch học tập từng môn trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng từ đó chủ động bố trí, sắp xếp công việc chuyên môn để tham gia học tập nghiêm túc;  đồng thời học viên cũng tham gia đánh giá chất lượng bài giảng của đội ngũ giảng viên nhà trường thông qua hình thức góp ý trực tiếp hoặc qua phiếu phản hồi từ người học.
 Có thể thấy, những kết quả đạt được trên mọi lĩnh vực của trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang trong năm  2015 có sự đóng góp không nhỏ của việc triển khai thực hiện tốt  Quy chế dân chủ của tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các khoa, phòng và đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên của nhà trường, từ đó năm 2015 nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo Trường Chính trị cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt quy chế thực hiện dân chủ, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ủy nhà trường đối với công tác này; Ban Giám hiệu thực sự là trung tâm, đoàn kết của tập thể đội ngũ cán bộ, đảng viên của nhà trường; thực hiện tốt nguyên tắc “tập trung dân chủ” trong hoạt động lãnh đạo quản lý; tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trường Chính trị tỉnh; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các quy định, nội quy, quy chế hoạt động của nhà trường, tăng cường hơn nữa quyền chủ động của các khoa, phòng chuyên môn./

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278047

Đang Online : 239