Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 1_2015

Ngày Đăng:4/30/2016 11:23:00 PM Lượt xem: 1421

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP -  MỘT ĐIỂM SÁNG
TRONG BỐN LĨNH VỰC ĐỘT PHÁ Ở TỈNH TUYÊN QUANG
Bùi Trung Dũng
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng



Sản xuất giấy tráng phấn cao cấp của Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa.
                   Ảnh: Thanh Phúc (nguồn: baotuyenquang.com.vn ngày 04/02/2015)
 
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2020 đã được Đảng ta đã đặt ra mục là: Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Công nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước và công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang là một trong những yếu tố cấu thành của công nghiệp Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, việc phát triển công nghiệp ở Tuyên Quang là tất yếu khách quan, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tỉnh nhà. Nhận thức rõ vấn đề này, nhiều năm qua, công nghiệp của tỉnh đã dành được sự quan tâm đặc biệt của các cấp uỷ Đảng và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong những mục tiêu của Đại hội XV nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã xác định: “Phát triển mạnh công nghiệp, tập trung công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản” (Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, tr.83) là một trong bốn lĩnh vực đột phá của tỉnh; nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 6.500 tỷ đồng, tăng bình quân trên 23%/năm.
Chúng ta có thể thấy rằng, ngoài sự tác động của tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, việc phát triển công nghiệp ở Tuyên Quang còn phải đối mặt với những khó khăn như: Chi phí vận chuyển tăng cao, các tuyến quốc lộ qua tỉnh đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp; chất lượng điện phục vụ sản xuất chưa đảm bảo; nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp còn hạn chế, chủ yếu do Ngân sách nhà nước qua Chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư...Tuy nhiên, ngành công nghiệp của Tuyên Quang vẫn biết cách vượt qua những khó khăn, vững bước đi lên, đưa công nghiệp ở Tuyên Quang trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2015. Điều đó thể hiện ở một số kết quả sau:
Giá trị sản xuất công nghiệp năm sau tăng khá cao so với năm trước, điều này đã giải quyết được nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cụ thể, năm 2010 đạt 2.113,1 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 19,5%/năm (theo quy hoạch 3.620 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 27,42%/năm). Năm 2011 đạt 2.487,5 tỷ đồng, tăng 17,7% so với thực hiện năm 2010; Năm 2012 đạt là 2.945,4 tỷ đồng, tăng 18,4% so với thực hiện năm 2011; năm 2013 đạt 3.431,4 tỷ đồng, tăng 16,5% so với thực hiện năm 2012; Năm 2014 ước đạt trên 4.502 tỷ đồng, tăng 31,2% so với thực hiện năm 2013.
Cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp chế biến nông, lâm, thực phẩm tăng trưởng khá nhanh, năm 2010 là 473,5 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 13,9%/năm. Năm 2013 đạt 588,4 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2013 là 7,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp ngành vật liệu xây dựng năm 2010 đạt 626,29 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 18,6%/năm. Năm 2013 đạt 951,9 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quần giai đoạn 2011 - 2013 là 15%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí luyện kim toàn tỉnh năm 2010 đạt 339,4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành cơ khí luyện kim là 30,2%. Năm 2013 đạt 356,9 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2013 là 1,7%/năm. Công nghiệp khai thác khoáng sản giá trị sản xuất công nghiệp khai thác khoáng sản chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, năm 2010 đạt 167 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 5,6%/năm. Năm 2013 đạt 182,1 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2013 là 2,9%.
Công tác quy hoạch đã hoàn thành như: quy hoạch điều chỉnh, bổ sung phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch cụm các Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Long Bình An, Khu công nghiệp Sơn Nam huyện Sơn Dương, Cụm công nghiệp An Thịnh - huyện Chiêm Hóa, Cụm công nghiệp Tân Thành - huyện Hàm Yên, Cụm công nghiệp Na Hang - huyện Na Hang. Các dự án ngoài khu, cụm công nghiệp như: Nhà máy Giấy tráng phấn cao cấp An Hòa huyện Sơn Dương công suất 140.000 tấn/năm (đã đi vào chạy thử tháng 9/2014), Nhà máy Thuỷ điện Yên Sơn công suất 70MW (đã khởi công xây đầu tư xây dựng tháng 12/2013), Nhà máy Luyện Ăngtimon Lâm Bình công suất 800 tấn/năm (đã khởi công xây dựng tháng 10/2013)...
Từ năm 2011 đến năm 2013 ngành công nghiệp đã triển khai thực hiện được 41 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia, địa phương là 2.582 triệu đồng. Thông qua việc thực hiện các đề án khuyến công đã giúp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được tiếp cận trình độ quản lý, công nghệ sản xuất tiên tiến, thương hiệu và khai thác có hiệu quả ngành, nghề truyền thống, giải quyết việc làm.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp của tỉnh vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế như: tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng trong GDP của tỉnh đạt 27,4%, thấp hơn 10% so với mục tiêu quy hoạch đề ra là 38%; tỷ lệ tự động hóa thấp, ứng dụng công nghệ cao còn ít; sản xuất gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, giá trị gia tăng thấp; chưa thu hút được những dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, quy mô lớn để tạo sự đột phá; thực trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp gây ra vẫn đang là vấn đề nổi cộm; sự liên kết phát triển công nghiệp giữa Tuyên Quang với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trung du miền núi phía Bắc nhìn chung mới được hình thành, do đó chưa tận dụng được tiềm năng lợi thế của vùng đang phát triển chung...
Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, với mục tiêu đạt giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh là 6.500 tỷ đồng. Để ngành công nghiệp của tỉnh đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, thiết nghĩ tỉnh Tuyên Quang cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh về thực hiện một số giải pháp chủ yếu giai đoạn 2014 - 2015 để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
 Hai là, việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng nhất, quyết định nhất. Hằng năm đưa vào kế hoạch bố trí tăng kinh phí sự nghiệp, kinh phí hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp hiện đại, nhất là các dự án chuyển giao công nghệ tiên tiến, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi để tăng mạnh vốn đầu tư phát triển công nghiệp và Quỹ khuyến công của tỉnh và Quốc gia. Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp có dự án thuộc các địa bàn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh đồng thời điều phối và cung ứng nguồn tài chính cho các dự án ưu tiên.
Ba là, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), giới thiệu sản phẩm trên các Website thương mại điện tử. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, như Cổng Thương mại điện tử Quốc gia (ECVN). Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về phát triển thương hiệu, phát triển thị trường.
Bốn là, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức một số Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế của Tỉnh cùng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích đặc thù để thu hút nguồn vốn đầu tư.
Năm là, đối với các cơ sở đào tạo nghề cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể như: xây dựng trường, xưởng thực hành, đầu tư các thiết bị, giáo cụ…để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho địa phương, đặc biệt là tay nghề, thợ bậc cao. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ học viên phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.
Sáu là, phát triển công nghiệp cần đảm bảo yếu tố về bảo vệ môi trường. Quản lý về môi trường cần hướng vào việc tăng hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xử lý chất thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường. Tăng cường giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường và không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường./.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8087566

Đang Online : 3445