Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 1_2015

Ngày Đăng:4/30/2016 11:37:00 PM Lượt xem: 1150

NHỮNG CHỈ DẪN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHI MINH MÃI MÃI SOI ĐƯỜNG ĐỂ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẢNG TA
                                                                            
                    Vũ Thị Sen
                 Khoa Xây dựng Đảng

 
 
 
Đ/c Nguyễn Kim Tuyến, Phó Trưởng khoa (phụ trách khoa) Xây dựng Đảng tham luận tại Hội thảo khoa học
"Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc
và công cuộc đổi mới" tháng 02/2015
 
          Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, trước khi Người đi xa đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần vô cùng to lớn, trong đó những lời dặn về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ di sản tư tưởng của Người.
          Trên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm gặp được chủ nghĩa Mác-Lênin, Người nhận thấy:" Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"[1]. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ để đảm bảo cho cách mạng thắng lợi phải có một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân:" Cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh.... Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy"[2]
          Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định là chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, trung thành với chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng đã khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam 85 năm qua gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo đảm và không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
          Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng là một việc đầy khó khăn, thử thách. Một đảng chỉ giữ được vai trò lãnh đạo khi đảng đó có đủ tư cách và năng lực, vì vậy quá trình củng cố vai trò lãnh đạo của cũng là quá trình không ngừng củng cố xây dựng Đảng vững mạnh.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Vai trò lãnh đạo của Đảng không tự nhiên mà có, không phải cứ tự nhận mà được. Đó là kết quả của một quá trình vận động của lịch sử, được thực tế chứng minh là hoàn toàn hợp quy luật. Đảng sẽ không thể làm tròn nhiệm vụ, không thể đóng vai trò lãnh đạo được nữa, nếu Đảng bị suy yếu.
          Sự vững mạnh của Đảng trước hết là về chính trị thể hiện ở sự hoạch định Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng. Phân tích nguyên nhân khi Đảng mới ra đời đã lãnh đạo cách mạng nước ta giành thắng lợi, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Thấm nhuần chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng đầu tiên, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Cương lĩnh đó phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đa số nhân dân, vì vậy Đảng đã đoàn kết được lực lượng to lớn chung quanh giai cấp mình ..... Do đó Đảng của giai cấp công nhân không ngừng củng cố và lớn mạnh"[3] .
          Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị cần gắn với sự vững mạnh về tư tưởng và tổ chức. Trên cơ sở đường lối chính trị đúng đắn, Đảng có phương hướng chính xác để  tiến hành giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên đấu tranh khắc phục khuynh hướng tư tưởng sai lầm, để xây dựng kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng, có cơ sở vững chắc để củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, để tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, trên cơ sở đó phát triển được lực lượng cách mạng, tuyển chọn cán bộ cho Đảng.
          Theo Hồ Chủ Tịch sự vững mạnh của Đảng còn được thể hiện ở sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Trong Di chúc Người căn dặn: " Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình... "[4], "Sức mạnh vô địch của Đảng ta ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên"[5].
          Trong quá trình xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ. Người nhấn mạnh: "... Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "...Công việc thành công hoặc thất bại là do cán bộ tốt hay kém"[6] . Lựa chọn cán bộ đúng là khâu mở đầu rất quan trọng quyết định đến các khâu khác trong công tác cán bộ,  Hồ Chí Minh cho rằng lựa chọn cán bộ cần xem xét trên hai mặt: đức - tài, Người đã dạy: " Có tài mà không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức mà không có tài như ông bụt ngồi trong chùa không giúp ích gì được ai"[7]. Nghệ thuật của người lãnh đạo là khéo dùng cán bộ, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, đúng năng lực sở trường, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa giúp cán bộ phát triển và trưởng thành. Hồ Chủ Tịch đã có chỉ dạy sâu sắc: " Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được"[8]
          Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm về xây dựng chi bộ và đảng viên, vì theo Người " Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc mới tốt"[9], "Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”[10]. Chi bộ là nơi phân công công tác và kiểm tra đảng viên, là môi trường tốt nhất để giáo dục, rèn luyện đảng viên. Đảng viên có chất lượng cao, tức là có phẩm chất chính trị vững vàng, có tinh thần cách mạng cao, tiên phong gương mẫu, có kiến thức, năng lực tốt, vì vậy, Người yêu cầu kết nạp đảng viên phải đảm bảo chất lượng, Người nhắc nhở: " Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên"[11]. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cần đề phòng kết nạp vào Đảng những kẻ cơ hội tìm cách vào Đảng để mưu cầu danh lợi cá nhân. Hồ Chủ Tịch đã nghiêm khắc chỉ rõ: " Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng... Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào Đảng thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ cách mạng thì đừng vào hay khoan hãy vào"[12]
          Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng Hồ Chí Minh đã dành hết tâm sức chăm lo xây dựng Đảng. Trước khi Người ra đi, trong Di chúc còn căn dặn: Để xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, mỗi đảng viên và cán bộ của Đảng cần phải " Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[13]. Để đạt được yêu cầu đó, cán bộ, đảng viên của Đảng phải ra sức rèn luyện, phải nỗ lực phấn đấu và chính điều đó càng làm cho danh hiệu đảng viên càng thêm cao quý.
          Dưới sự lãnh đạo và những lời chỉ dẫn của Người, từ ngày thành lập đến nay, 85 năm qua trải qua nhiều khó khăn trên bước đường đấu tranh trong cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng giành được những thắng lợi to lớn, nhân dân ta đã và đang tiếp tục vững bước trên con đường thắng lợi mà Người đã vạch ra. Công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố. Tuy nhiên, trong Đảng hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, tham nhũng, lãng phí... Đây thực sự là một nguy cơ “xói mòn” từ trong nội bộ Đảng, làm giảm sút sức chiến đấu của Đảng.
            Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới và hội nhập quốc tế, để làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta phải tiếp tục đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, khắc phục cho được khuyết điểm, các biểu hiện tiêu cực, yếu kém trong Đảng. Phải coi việc xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức là nhiệm vụ then chốt, phải giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
           Thực hiện nghiêm túc những nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng :" Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng", tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đó là: "Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng".
            Những lời dạy về xây dựng Đảng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh  trong điều kiện hiện nay vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự. Những chỉ dẫn của Người mãi mãi soi sáng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Đảng. Thực hiện nghiêm túc lời dạy của Người về xây dựng và củng cố Đảng, Đảng mới đủ sức mạnh để lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t9, tr 314
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t2, tr 267-268
[3] Sdd,200,t10,tr9
[4] Sđd, 2000, t12, tr 497-498
[5] Sđd, 2000, t10, tr 311
[6] Sđd, 2000, t5, tr273
[7] Sđd, 2000, t8, tr 184
[8] Sđd, 2000, t5, tr 72
[9] Sđd, 2000, t2, tr 210
[10] Sđd, 2000, t12, tr 92
[11] Sđd, 2000, t12, tr 222
[12] Sđd, 2000, t12, tr 221- 222
 
[13] Sđd, 2000, t12, tr 498

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8087566

Đang Online : 3445