Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 3_2015

Ngày Đăng:11/8/2016 10:21:00 AM Lượt xem: 899


 
      
Đồng chí Đỗ Thu Hương,Phó Hiệu trưởng trình bày báo cáo tổng kết lớp học
tại Lễ Bế giảng và trao bằng tốt nghiệp Lớp Trung cấp LLCT-HC K87- năm 2015
 
          Thực hiện Chương trình hành động số 01 - CTr/TU ngày 31/12/2010 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Với chủ trương "Phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá",  Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 06 - KH/TU ngày 13/6/2011 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Để thực hiện các mục tiêu về đào tạo lý luận chính trị và bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức của tỉnh theo Kế hoạch 06 - KH/TU mà Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Trong những năm qua đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên Trường Chính trị tỉnh đã nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những kết quả mà nhà trường đạt được trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ không chỉ ghi nhận sự cố gắng của mỗi cán bộ, giảng viên, công nhân viên mà còn là động lực để nhà trường tiếp tục hoàn  thành tốt nhiệm vụ chính trị trong những năm tới.
          Có thể nói, nét nổi trội trong kết quả công tác của nhà trường đó chính là đào tạo lý luận chính trị, với nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ lãnh đạo quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở và cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 10/2015 Trường Chính trị tỉnh đã đào tạo được 2.869 học viên đạt 153,4% so với kế hoạch. Song song với nhiệm vụ đào tạo, nhà trường còn có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I tổ chức, quản lý 04 lớp Cao cấp lý luận chính trị - hành chính với tổng số 412 học viên. Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Trường Chính trị tỉnh thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự cho 2.075 học viên đạt 111,3 % so với kế hoạch. Hằng năm nhà trường còn thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng khác như do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao như: Bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông, Bồi dưỡng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, Bồi dưỡng Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy và người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng 4 (theo Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 24/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) với hơn 3.947 học viên. Kết quả trên không những nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phát triển năng lực thực thi công vụ, cập nhật những vấn đề lý luận và thực tiễn mới  cho cán bộ, công chức, viên chức mà còn đáp ứng tiêu chuẩn các chức danh quy định theo yêu cầu cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
          Không chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác và kiện toàn đội ngũ giảng viên, trong những năm qua nhà trường cũng đã cử nhiều giảng viên đi đào tạo sau đại học tại Học viện Chính trị quốc gia  Hồ Chí  Minh và tham gia các lớp đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đến nay số cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn thạc sỹ chiếm 60 %; cao cấp lý luận chính trị chiếm 46%; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính chiếm 57 %.
          Kết quả đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đã đóng góp vào kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh : Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã trên toàn tỉnh hiện nay có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm 95,4% (trong đó đại học, cao đẳng 52%, trên đại học 0,3%); có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên 95,8% ( trong đó cao cấp, cử nhân 0,6%) - Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng, số 8/2015. Đó là sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm cao của nhà trường bởi trong giai đoạn này, bên cạnh những thuận lợi như nhà trường luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập được đầu tư, nâng cấp; trình độ chuyên môn, năng lực công tác của đội ngũ giảng viên dần dần đáp ứng yêu cầu công tác giảng dạy; sự đoàn kết, nhất trí và nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường... cũng còn một số khó khăn: Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành có sự chuyển đổi về thời gian đào tạo, nội dung đào tạo từ chương trình cũ sang chương trình mới, mặt khác đội ngũ giảng viên nhà trường chưa thực sự ổn định về số lượng và chất lượng, có sự hẫng hụt giữa các thế hệ giảng viên... những khó khăn trên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị.
          Để có được kết quả trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau :
          Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự chỉ đạo về chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ; tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Kế hoạch số 06-KH/TU ngày 13/6/2011 của Tỉnh ủy Tuyên Quang về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
          Hai là, thường xuyên đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ủy, sự quản lý, điều hành của Ban Giám hiệu; có sự phối hợp chặt chẽ với các Học viện, các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố để triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh.
          Ba là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã quan tâm đúng mức và tập trung lãnh đạo đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng "Cơ bản, thiết thực, gắn với thực tiễn" nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế phục vụ có hiệu quả công tác dạy và học.
          Phát huy những kết quả đã đạt được, một số giải pháp trọng tâm của nhà trường đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ những năm tiếp theo như sau:
          - Tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm. Khích lệ và nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường trong thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
          - Tổ chức và thực hiện tốt chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; các quy chế, quy định  quản lý đào tạo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành; hướng dẫn của Bộ Nội vụ về nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; các quy định của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên. Chủ động phối hợp tốt với các Học viện, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng .
          - Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ dạy học. Chú trọng công tác quản lý chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn, rút kinh nghiệm về nội dung, phương pháp giảng dạy. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của giảng viên nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường.
          - Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác để quản lý học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng gắn đào tạo với rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong thời gian học tập tại trường.
          - Chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời với các cấp lãnh đạo trong quá trình thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
          - Tăng cường công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được trang bị; tiếp tục bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện dạy học để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8087837

Đang Online : 3716