Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 3_2015

Ngày Đăng:11/8/2016 10:44:00 AM Lượt xem: 2458


Tác phẩm "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước" là một trong những tác phẩm rất quan trọng trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác. Trong tác phẩm này, Ăngghen phân tích một cách khoa học về những giai đoạn phát triển sớm nhất của lịch sử nhân loại, về quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ, về quá trình hình thành, những đặc trưng của các xã hội có giai cấp dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và giải thích những đặc điểm của sự phát triển của các quan hệ gia đình trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau. Đặc biệt, Ăngghen luận chứng nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh vấn đề nhà nước như nguồn gốc và bản chất, đặc trưng và chức năng của nhà nước; đồng thời, chứng minh sự tất yếu diệt vong của nhà nước khi xã hội cộng sản văn minh hoàn toàn thắng lợi.
Về ý nghĩa lý luận:
Trước hết, Ăngghen đã đưa ra quan điểm về gia đình và sự biến đổi của các hình thức gia đình trong lịch sử.
Dựa trên những tư liệu về xã hội nguyên thủy của Moocgan, Ăngghen chỉ ra rằng trong những giai đoạn đầu tiên của lịch sử phát triển xã hội loài người, quan hệ gia đình, quan hệ thân tộc có vai trò quyết định đối với sự tồn tại của xã hội, của các cộng đồng người thời kỳ nguyên thủy ở mọi dân tộc và mọi nơi. Đặc biệt, trong tác phẩm của mình, Ănggghen đã xem xét sự phát triển của các hình thái gia đình trong tương quan với những biến đổi của phương thức sản xuất ra của cải vật chất, từ đó đưa ra quan điểm khoa học về sự biến đổi của các hình thức gia đình từ chế độ mẫu quyền nguyên thủy đến gia đình hiện đại như thế nào.
Thứ hai, Ăngghen đã chỉ ra nguồn gốc và sự phát triển của các hình thức sở hữu.
Trong tác phẩm "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước" Ăngghen đã chứng minh rằng trong xã hội nguyên thủy không tồn tại chế độ tư hữu, hình thức sở hữu tư nhân chỉ xuất hiện trong một giai đoạn nhất định của lịch sử xã hội loài người. Ăngghen cũng phân tích rõ luận điểm xác lập nguyên tắc biện chứng duy vật để nghiên cứu nguồn gốc và sự biến đổi của các hình thức sở hữu trong lịch sử chính là phải gắn sự hình thành và phát triển của các hình thức sở hữu với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Bởi vì, chính sự thay đổi của công cụ sản xuất đã làm cho năng suất lao động xã hội và những quan hệ xã hội khác cũng thay đổi theo.
Trong tác phẩm này, Ăngghen cũng chỉ ra rằng, chế độ tư hữu đạt tới sự phát triển cao nhất, hoàn chỉnh nhất trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và đó cũng là lúc nó bộc lộ đầy đủ nhất những tác động tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội, trở thành lực cản của sự tiến bộ xã hội. Vì vậy, biện chứng của sự phát triển lịch sử đòi hỏi nó phải được thay thế bằng hình thức sở hữu mới tiến bộ hơn - chế độ công hữu cộng sản chủ nghĩa.
Thứ ba, Ăngghen chỉ ra  nguồn gốc, đặc trưng, bản chất và chức năng của nhà nước.
Tác phẩm "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước" là một mốc quan trọng của quá trình xây dựng lý luận mácxit về nhà nước. Ăngghen khẳng định, nhà nước không phải là lực lượng từ bên ngoài áp đặt vào xã hội, mà là sản phẩm của chính sự phát triển xã hội. Sự xuất hiện của nhà nước gắn liền với sự xuất hiện của chế độ tư hữu, với việc xã hội phân chia thành những giai cấp có lợi ích đối kháng.
Theo Ăngghen nhà nước có hai đặc trưng cơ bản: thứ nhất là tổ chức lại cư dân theo lãnh thổ chứ không phải trên cơ sở quan hệ thân tộc; thứ hai là thiết lập cơ quan quyền lực công cộng bằng việc thiết lập lực lượng vũ trang, cảnh sát, nhà tù và hệ thống thuế má để duy trì hoạt động của nhà nước.
Ăngghen cũng chỉ rõ bản chất của nhà nước là cơ quan quyền lực của "giai cấp có thế lực nhất, của giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước mà cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị do đó có thêm những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức".
            Về chức năng của nhà nước, theo Ăngghen nhà nước có hai chức năng là chức năng thống trị của giai cấp và chức năng xã hội. Hai chức năng này có mối quan hệ qua lại với nhau, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị và sự thống trị chính trị còn kéo dài chừng nào nhà nước còn thực hiện chức năng xã hội của nó. Đồng thời, nhà nước với tư cách là đại biểu cho chủ quyền của một quốc gia còn thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại. Chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước đều xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị.
Trong tác phẩm này, ông cũng chỉ rõ nhà nước không tồn tại mãi, trong lịch sử nhân loại đã có thời kỳ con người không cần đến nhà nước và đến một giai đoạn phát triển nhất định khi các giai cấp tiêu vong thì nhà nước cũng sẽ biến mất, lúc đó "xã hội sẽ tổ chức nền sản xuất trên cơ sở sự liên hợp tự do và bình đẳng giữa những người sản xuất, sẽ đem toàn thể bộ máy nhà nước xếp vào cái vị trí thật sự của nó lúc bấy giờ: vào viện bảo tàng đồ cổ, bên cạnh cái xa kéo sợi và cái rìu bằng đồng". Nhưng là một nhà biện chứng duy vật, một nhà hoạt động chính trị mẫn cán của phong trào công nhân, Ăngghen cũng đã nói rõ trong tác phẩm này rằng, ngay cả khi giai cấp công nhân đã lật đổ được chế độ tư bản chủ nghĩa, để đến được xã hội cộng sản tương lai, để xếp nhà nước vào "viện bảo tàng", loài người cần trải qua giai đoạn quá độ chủ nghĩa xã hội, ở đó vẫn cần đến nhà nước, nhưng đó là nhà nước của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động.
Về ý nghĩa thực tiễn:
Tác phẩm này có giá trị và ý nghĩa khoa học, xã hội sâu sắc đối với việc giải thích, nhận thức và tác động tích cực vào sự phát triển của gia đình, sự tồn tại của chế độ tư hữu và các nhà nước hiện đại.
Những luận điểm của Ăngghen về nhà nước trong tác phẩm này thể hiện sự phát triển và hoàn chỉnh về cơ bản và có hệ thống các quan điểm của chủ nghĩa Mác về vấn đề nhà nước. Dựa trên quan điểm duy vật về lịch sử và các sự kiện lịch sử, Ăngghen đã chứng minh các hình thức quan hệ gia đình và quan hệ sở hữu, các hình thức giai cấp và nhà nước là do lịch sử quy định và thay đổi theo lịch sử. Những luận điểm này trở thành cơ sở lý luận cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc những năm cuối của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đến nay.
Tác phẩm của Ph.Ăngghen còn góp phần to lớn vào việc giáo dục và trang bị cho giai cấp công nhân trên toàn thế giới vũ khí tư tưởng sắc bén trong cuộc đấu tranh chống lại hệ tư tưởng tư sản và các trào lưu phi mácxít khác, hướng giai cấp công nhân đoàn kết lại trong một khối thống nhất, có tổ chức, đấu tranh vì một xã hội tương lai - xã hội, xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Trong thời đại mới với điều kiện hoàn cảnh mới với nhiều khó khăn, nguy cơ và thách thức thì việc Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu xây dựng xã hội ta trở thành một xã hội "Dân chủ, công bằng, văn minh" chính là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng lý luận trong tác phầm "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữ và của nhà nước" nói riêng. Bởi chỉ khi xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên đất nước ta thì mới thực sự hoàn thành công cuộc cách mạng giải phóng con người, xây dựng một xã hội thực sự bình đẳng, tiến bộ.
Tác phẩm "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước" đã làm sáng tỏ nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước. Những luận điểm này trở thành cơ sở lý luận cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc những năm cuối của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và cho đến ngày nay./.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8087293

Đang Online : 3172