Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:6/2/2016 6:02:00 PM Lượt xem: 1475

  TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỐNG SUY THOÁI
 TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ VIỆC RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC
CÁCH MẠNG TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY
   
                                                                  Nguyễn Thị Tuyết Nhung
                                                                  Phó Hiệu trưởng
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sớm phát hiện sự suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền. Khi Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng 8/1945, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, Người đã cảnh báo: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"1. Bằng nhãn quan chính trị sâu sắc của một lãnh tụ, Người đã nghiêm khắc chỉ ra và lên án một số người nắm trong tay quyền lực của bộ máy chính quyền mới, nhìn nhận sự tha hóa của một số cán bộ, đảng viên và nhắc nhở, răn dạy cán bộ, đảng viên qua những bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề tư cách đạo đức của người cách mạng.
Một trong những bài báo được nhắc đến và học tập nhiều nhất là bài "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" đăng trên Báo Nhân dân, số 5409, ngày 03/2/1969. Trong bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự cần thiết phải rèn luyện tư cách đạo đức của người cách mạng, chống lại sự suy thoái của một số cán bộ, đảng viên - những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của riêng mình trước khi nghĩ đến người khác. Những người vướng vào chủ nghĩa cá nhân có biểu hiện là ngại gian khổ, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham quyền lực, địa vị, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền, quan liêu mệnh lệnh, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, gây mất đoàn kết, bè phái… Người cho rằng: Chủ nghĩa cá nhân là một căn bệnh, là kẻ thù nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội, người cách mạng phải tiêu diệt nó. Chống chủ nghĩa cá nhân thực chất là chống lại sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên. Để chống lại sự thoái hóa, biến chất đó, Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Muốn cán bộ, đảng viên không bị thoái hóa, biến chất, phải rèn luyện đạo đức của người cách mạng. Phải thực hiện "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" mà bản thân Người là tấm gương sáng về những đức tính ấy.
Hồ Chí Minh thường coi trọng cả đức và tài trong một con người. Tuy nhiên, đức chính là cái gốc của người cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng: "Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì"2.
Người từng dạy: Đạo đức, tư cách của một người thể hiện trên ba mối quan hệ: "với mình, với người, với việc". Trong đó, "với mình" là mối quan hệ đặc biệt. Nếu tự mình không tốt với bản thân mình thì các mối quan hệ khác cũng không thể tốt đẹp được. Nếu "với mình" tha hóa, biến chất thì tất cả các mối quan hệ của mình cũng đều bị biến chất, thoái hóa. Điều này đặc biệt quan trọng trong điều kiện hiện nay, khi mà vấn đề về lợi ích đang được đặt ra cho tất cả mọi người, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiền bạc, vật chất, quyền lực… luôn có sức cám dỗ lớn đối với con người nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng. Sức cám dỗ đó luôn tiềm ẩn những nguy cơ phá vỡ các nguyên tắc đạo đức của người cán bộ, đảng viên, phá vỡ các giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam.
Nhận thức rõ vấn đề suy thoái đạo đức trong "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên", Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", đã nêu ra bốn nhóm giải pháp cơ bản để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, trong đó, vấn đề trọng tâm được xác định là: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về chống suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), mỗi người chúng ta cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, chống lại sự suy thoái về đạo đức. Mỗi người, ở cương vị công tác của mình phải tự mình suy ngẫm, học tập và rèn luyện tư cách đạo đức. Trước hết phải thực hiện nghiêm túc mối quan hệ "với mình". Đó là điểm xuất phát để thực hành quan hệ "với người " và "với việc". Thực hiện "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", lời nói đi đôi với việc làm, tất cả vì lợi ích của tập thể. Bỏ thói quen ghen ghét, đố kỵ, kèn cựa địa vị đối với đồng nghiệp, không phe cánh, bè phái, lợi dụng đồng chí, phá vỡ mối quan hệ đạo đức vì lợi ích cá nhân. Làm gương cho người khác là biểu hiện rõ nhất việc thực hành đạo đức. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Ở phương Đông và ở Việt Nam, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Cán bộ, đảng viên chúng ta, nhất là những người có chức có quyền, mỗi người nêu một tấm gương sáng về đạo đức thì xã hội sẽ lành mạnh, có văn hóa, nền nếp. Ngược lại đảng viên, cán bộ chủ chốt mà đạo đức cách mạng không trong sáng, bị lợi ích vật chất cám dỗ thì hậu quả sẽ khôn lường cho toàn xã hội.
Tự hào là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên giảng dạy lý luận chính trị chúng ta phải nghiêm túc thực hành đạo đức theo lời dạy của Hồ Chủ Tịch. Mỗi người nêu một tấm gương sáng về đạo đức, chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để các thế hệ học trò học tập và noi theo, xây dựng Trường Chính trị thực sự là môi trường văn hóa, đạo đức, kỷ cương, nền nếp, Đảng bộ nhà trường thực sự trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng nối tiếp sự nghiệp của cha ông xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.
                                                                                      
 
1. HCM toàn tập, NXBCTQG, H, 2011, T15, Tr672
2. Sđd, T5, Tr 292,293
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088291

Đang Online : 4170