Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:5/3/2016 10:38:00 AM Lượt xem: 1538

 MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHUYÊN MÔN CỦA KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG
TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 
                                                                                                                  Phùng Thị Hà
                                                                                               Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
 
Khoa Xây dựng Đảng tổ chức tọa đàm tham gia góp ý vào chương trình, giáo trình đào tạo
Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (năm 2014)
 
     Sinh hoạt chuyên môn là một hoạt động hết sức quan trọng trong tất cả các hoạt động ở trường học nói chung và Trường Chính trị tỉnh nói riêng. Những năm gần đây các cấp lãnh đạo, quản lý giáo dục rất quan tâm đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn bởi sinh hoạt chuyên môn không chỉ giúp người làm công tác giảng dạy nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân mà còn là hoạt động trao đổi, hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau trong công tác. Qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, người giáo viên, giảng viên được bổ sung và nâng cao những kiến thức chuyên môn trong thực tiễn, những kỹ năng trong công tác giảng dạy và quản lý người học. Từ đó nâng cao chất lượng dạy và học cũng như chất lượng giáo dục nói chung.
     Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang những năm qua đã có sự chú ý, quan tâm đến hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Hàng năm hoạt động này diễn ra thường xuyên dưới 2 hình thức hội thảo theo chuyên đề và thông qua bài, dự giờ, trao đổi rút kinh nghiệm. Hội thảo chuyên đề với các nội dung chủ yếu như triển khai học tập, quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên vào nội dung giảng dạy và thông qua bài, dự giờ, trao đổi, rút kinh nghiệm định kỳ theo kế hoạch chung của  khoa và của nhà trường.
Hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo hình thức hội thảo chuyên đề được thực hiện nghiêm túc từ khâu chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, chương trình đến khâu tổ chức và có sự phân công cụ thể đến từng giảng viên để giảng viên chủ động trong các buổi sinh hoạt. Các giảng viên đều tích cực, đầu tư chuẩn bị các nội dung được phân công, không khí các buổi sinh hoạt chuyên môn ở khoa diễn ra dân chủ, sôi nổi trên tinh thần góp ý, xây dựng với mục tiêu chính là nâng cao chất lượng giảng dạy cho giảng viên và chất lượng giáo dục của nhà trường. Thông qua hoạt động này kỹ năng nghiên cứu khoa học, viết bài, vận dụng kiến thức lý luận cũng như thực tiễn vào bài giảng của giảng viên, nhất là giảng viên trẻ có nhiều chuyển biến tích cực.
      Hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo hình thức thông qua bài, thao giảng dự giờ, trao đổi, rút kinh nghiệm cũng luôn được thực hiện nghiêm túc, dân chủ mang tình đồng chí, đồng nghiệp, trên tinh thần xây dựng, giúp đỡ  nhau cùng tiến bộ, qua đó các giảng viên đã thấy được những mặt mạnh để phát huy và mặt hạn chế để rút kinh nghiệm, sửa đổi cho phù hợp, chất lượng soạn và giảng của các giảng viên trong khoa  từng bước được nâng lên.
     Bên cạnh những kết quả tích cực trên, hoạt động sinh hoạt chuyên môn ở khoa Xây dựng Đảng còn một số hạn chế như nội dung sinh hoạt chuyên môn chưa phong phú, hình thức còn đơn điệu, chưa đi sâu vào các vấn đề trọng tâm như đổi mới phương pháp dạy học hay tháo gỡ những khó khăn cho giảng viên trong việc soạn bài khó và vận dụng kiến thức thực tiễn vào bài giảng…Nguyên nhân của những hạn chế trên là do hoạt động sinh hoạt chuyên môn chưa thực sự được coi trọng và chưa được xác định là hoạt động chính độc lập cùng với các hoạt động hội thảo chuyên đề và thao giảng, dự giờ rút kinh nghiệm.
     Môi trường giáo dục lý luận chính trị cũng giống như các môi trường giáo dục khác, cần phải coi trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chuyên môn để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung. Từ thực tiễn khoa Xây dựng Đảng, tác giả xin đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động này như sau:
     Đối với cấp lãnh đạo quản lý, cụ thể là Ban Giám hiệu nhà trường, trước hết, cần tổ chức tốt hoạt động dự giờ cho toàn thể các giảng viên và rút kinh nghiệm bài giảng để đóng góp ý kiến cho giảng viên. Đây là hình thức sinh hoạt chuyên môn mở rộng nên được tổ chức thường xuyên, bởi hoạt động này sẽ giúp tất cả các giảng viên được rèn luyện và nâng cao các kỹ năng soạn, giảng, xử lý các tình huống trên lớp học đồng thời được nhận sự đóng góp ý kiến, tham gia của các thành viên Hội đồng khoa học nhà trường cũng như các giảng viên khác để hoàn chỉnh về chuyên môn và phương pháp giảng dạy.
     Thứ hai, có thể học tập kinh nghiệm một số trường chính trị có bề dày truyền thống và có nhiều hoạt động tích cực trong sinh hoạt chuyên môn trên cả nước. Xây dựng kế hoạch và tổ chức hội thảo chuyên đề cấp trường theo quý, lồng ghép với các nội dung chuyên môn như: Vận dụng kiến thức thực tế trong giảng dạy lý luận chính trị; sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực đối với chương trình Trung cấp LLCT-HC; sử dụng bài tập tình huống có hiệu quả đối với các phần học trong chương trình Trung cấp LLCT-HC...và giao cho các khoa thay phiên nhau chủ trì. Thực hiện được tốt hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho các giảng viên trong trường được thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm trong nghiên cứu, viết bài, soạn, giảng bài khó cũng như được rèn luyện nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy chung của nhà trường.
     Đối với đơn vị khoa Xây dựng Đảng, cần chú trọng hơn nữa vào hoạt động sinh hoạt chuyên môn của khoa, tổ chức  hoạt động này độc lập với 2 hình thức hội thảo chuyên đề và thông qua bài, dự giờ, rút kinh nghiệm và coi đây là hoạt động sinh hoạt thường xuyên theo tháng hoặc ít nhất là theo quý cuả khoa. Hình  thức tổ chức cần phong phú, đa dạng lôi cuốn được các giảng viên tích cực tham gia.
Nên nghiên cứu, áp dụng hình thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Bởi khoa Xây dựng Đảng là khoa phụ trách 4 phần học chính trong chương trình Trung cấp LLCT-HC đó là: Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội; nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở; tình hình nhiệm vụ địa phương. Trong đó có nhiều bài dạy khó, cần vận dụng nhiều kiến thức thực tiễn và trên 50% giảng viên của khoa là giảng viên trẻ, còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và vận dụng kiến thức thực tiễn vào giảng dạy, nên việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học là rất cần thiết. Cụ thể hình thức này thực hiện 4 bước như sau: Bước 1: Chuẩn bị bài dạy nghiên cứu; bước 2: Tiến hành dạy minh họa và dự giờ; bước 3: Suy ngẫm và thảo luận giờ học; bước 4: Ứng dụng. Nếu thực hiện hình thức sinh hoạt này tập trung vào nghiên cứu bài khó, nhất là những bài nghiệp vụ, cần vận dụng nhiều kiến thức thực tế sẽ xây dựng được khung kiến thức chuẩn cho giảng viên trong khoa, tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn cho giảng viên, nhất là giảng viên trẻ trong khâu soạn bài và vận dụng kiến thức thực tiễn vào giảng dạy, từ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy chung của khoa và của nhà trường.
     Thiết nghĩ, trong môi trường giáo dục nào thì hoạt động sinh hoạt chuyên môn cũng rất cần thiết, cần được coi trọng và thực hiện thường xuyên. Trên đây chỉ là trao đổi ở góc độ cá nhân với mong muốn trong thời gian tới sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động sinh hoạt chuyên môn của khoa Xây dựng Đảng để từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên, nhất là giảng viên trẻ trong khoa. 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277899

Đang Online : 91