Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:5/3/2016 10:40:00 AM Lượt xem: 1276

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC 2015 VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NĂM 2016 CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
 

  Phí Thị Ngọc Anh
 Phòng NCKH-TT-TL
 
 
Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) của tỉnh Tuyên Quang” năm 2015
 
Năm 2015, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và điều hành của các phòng, khoa chuyên môn cán bộ, giảng viên của nhà trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ hoạt động khoa học theo đúng kế hoạch được phê duyệt ngay từ đầu năm. Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó nhiệm vụ hoạt động khoa học đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của nhà trường.
Thứ nhất, về đề tài khoa học.
Trong năm 2015, nhà trường đã và đang triển khai thực hiện 08 đề tài khoa học (trong đó: 02 đề tài khoa học cấp tỉnh, 04 đề tài khoa học cấp trường, 02 đề tài khoa học cấp khoa).
Đã bảo vệ thành công đề tài khoa cấp tỉnh (2013-2015) "Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ công chức cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) của tỉnh Tuyên Quang", kết quả Tiểu ban chuyên ngành, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh xếp loại xuất sắc; đề tài khoa học (2015-2017) "Xây dựng đội ngũ Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy và người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở xã của hệ thống chính trị cơ sở (xã, phường, thị trấn)" sau khi được Hội đồng khoa học cấp tỉnh nhất trí phê duyệt, hiện nay đề tài đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và kinh phí để triển khai thực hiện vào đầu năm 2016.
Hội đồng khoa học nhà trường cũng đã nghiệm thu thành công 04 đề tài khoa học cấp trường. Gồm các đề tài khoa học "Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội nông dân ở cơ sở trên địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2018"; "Giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020"; "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đảng viên ở các đảng bộ xã, thị trấn huyện Chiêm Hóa, nhiệm kỳ 2015-2020"; "Sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Yên Sơn trong xây dựng nông thôn mới hiện nay" và 01 đề tài khoa học cấp khoa: "Nâng cao chất lượng quản lý học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang". Kết quả 04 đề tài khoa học cấp trường và 01 đề tài khoa học cấp khoa đều được Hội đồng khoa học nhà trường xếp loại xuất sắc.
Thành công của các đề tài khoa học năm 2015 cho thấy công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường đã có những tiến bộ rõ rệt, tích cực nhằm hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Các đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường, cấp tỉnh đều tập trung vào việc nâng cao chất lượng công tác chuyên môn của đội ngũ giảng viên và giải quyết một số vấn đề thực tiễn đặt ra ở địa phương gắn với nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Chất lượng nội dung nghiên cứu của đề tài ngày càng thiết thực, tính ứng dụng cao. Các đề tài khoa học được Hội đồng khoa học nhà trường đánh giá đều phù hợp để vận dụng đưa vào làm tài liệu nghiên cứu phục vụ cho công tác giảng dạy trong các chương trình bồi dưỡng và chương trình TCCT-HC.
Thứ hai, về tổ chức các hội thảo khoa học.
Trong năm 2015, nhà trường tổ chức thành công 01 hội thảo cấp tỉnh với chủ đề "Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) của tỉnh Tuyên Quang" với 12 bài tham luận; tổ chức thành công 04 cuộc hội thảo cấp trường: Kỷ niệm ngày thành lập Đảng với chủ đề "Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới"; kỷ niệm 145 năm ngày sinh của V.I.Lênin với chủ đề "Di sản tư tưởng, lý luận quý báu của V.I Lênin và sự vận dụng của Đảng cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới"; Hội thảo có sự phối hợp của Hội Cựu chiến binh và Chi đoàn thanh niên nhà trường với các chủ đề "Đại thắng mùa xuân 1975, đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam"; Kỷ niệm 195 năm ngày sinh Ph.Ăngghen với chủ đề "Di sản tư tưởng, lý luận của Ph.Ăngghen sống mãi với cách mạng Việt Nam". Với tổng số 36 bài tham luận, nội dung các bài tham luận tại các cuộc hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định giá trị di sản tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng ta vào sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Các cuộc hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức lý luận chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt khác hội thảo đã tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên nhà trường nâng cao phương pháp nghiên cứu và vận dụng những nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác giảng dạy có chất lượng và hiệu quả.
Các khoa, phòng chuyên môn còn tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo cấp khoa, cấp phòng theo các chuyên đề nội dung nghiên cứu phục vụ cho công tác chuyên môn và giảng dạy trong nhà trường.
Ngoài ra cán bộ, giảng viên nhà trường còn có các bài tham luận tham gia trong các cuộc hội thảo cấp Học viện, cấp tỉnh do các đơn vị có liên quan tổ chức với 02 bài tham luận với các chủ đề: “Hội thảo tổng kết 10 năm áp dụng phương pháp dạy – học tích cực vào giảng dạy lý luận chính trị” “Hội thảo Tuyên Quang – Thủ đô giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945”.
Thứ ba, công tác xuất bản Nội san, nay là Thông tin Lý luận và thực tiễn và tham gia viết bài cho các báo Trung ương, địa phương. 
 Năm 2015, nhà trường tiếp tục duy trì xuất bản 01 số Nội san và 02 số Thông tin Lý luận và thực tiễn với 67 bài viết. Chất lượng các bài viết ngày càng  phong phú về nội dung gắn với thực tiễn sinh động. Nhiều bài viết có chất lượng cao, là nguồn tài liệu để cán bộ, giảng viên tham khảo và vận dụng vào bài giảng của mình. Mặt khác, các bài viết cũng đã thể hiện được năng lực, phương pháp nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường. Với vị trí, vai trò là trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh, Thông tin Lý luận và thực tiễn còn góp phần trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác chuyên môn và hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tri thức của cán bộ, giảng viên và học viên.
Cán bộ, giảng viên nhà trường còn tham gia viết bài cho các báo địa phương và báo Trung ương. Năm 2015 đã có tổng số trên 08 bài viết được đăng trên các báo của địa phương và báo, tạp chí Trung ương. Trong đó có trên 04 bài viết trao đổi về các vấn đề của đời sống xã hội và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh; các tin vắn viết về các hoạt động của nhà trường đã được đăng trên các báo của địa phương; có 04 bài viết trao đổi về các hoạt động chuyên môn được đăng trên các báo, tạp chí Trung ương. 
Thứ tư, về công tác nghiên cứu cụ thể hoá chương trình đào tạo, bồi dưỡng.                                                                                                                                         
Thực hiện Công văn số 840/HVCTQG – TCT, ngày 20/8/2015 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc sơ kết 01 năm thực hiện Chương trình, giáo trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính năm 2014. Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã nghiêm túc triển khai, chỉ đạo thực hiện đến các khoa chuyên môn và cụ thể đến cán bộ, giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy bằng hình thức tổ chức các cuộc hội thảo tham gia lấy ý kiến vào chương trình, giáo trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính năm 2014. Sau khi triển khai thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, phòng NCKH – TT – TL đã tổng hợp và báo cáo được tổng số 32 giảng viên với 95 lượt ý kiến tham gia vào chương trình, giáo trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính năm 2014. Bên cạnh những ý kiến ghi nhận những ưu điểm cơ bản của chương trình, giáo trình còn có nhiều ý kiến tham gia về những hạn chế mà chương trình, giáo trình còn tồn tại. Với những ý kiến tham gia trên đề nghị Hội đồng biên soạn chương trình, giáo trình bổ sung các nội dung cơ bản quan trọng, đáp ứng mục tiêu đào tạo lý luận chính trị, để chương trình, giáo trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính thực sự thiết thực đảm bảo đổi mới giáo dục lý luận chính trị.
Thứ năm, về công tác nghiên cứu khảo sát thực tế.
Năm 2015, nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu, khảo sát thực tế tại một số tỉnh thành trong cả nước để giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn; triển khai thực hiện kế hoạch cho 34/41 giảng viên đi nghiên cứu, khảo sát  thực tế tại cơ sở và đã có 32/41 giảng viên nộp báo cáo nghiên cứu thực tế với tổng số là 3840 giờ, đạt 78%. Nhìn chung sau mỗi đợt đi nghiên cứu, khảo sát thực tế nhận thức về kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên được nâng lên, có sự đánh giá toàn diện hơn về mối liên hệ giữa lý luận với thực tiễn. Đạt được kết quả này là do công tác tổ chức, quản lý, điều hành trong quá trình giảng viên đi nghiên cứu, khảo sát thực tế được thực hiện chặt chẽ giữa nhà trường tới các khoa, phòng và cụ thể đến từng giảng viên. Theo quy định giảng viên sau khi đi nghiên cứu thực tế trở về phải có báo cáo cụ thể về quá trình đi nghiên cứu, khảo sát thực tế, kết quả thu được có sự phân tích, đánh giá và giải pháp thực hiện. Do đó, quá trình đi nghiên cứu, khảo sát thực tế về cơ bản, giảng viên đã chủ động, tích cực tìm hiểu, nghiên cứu thực tiễn ở cơ sở và đã giúp ích cho việc bổ sung kiến thức thực tiễn vào bài giảng, nhất là đối với những giảng viên trẻ phần nào khắc phục được hạn chế trong bài giảng còn nặng về lý luận phụ thuộc vào giáo trình, thiếu tính thực tiễn và giúp cho giảng viên trẻ có thêm kinh nghiệm, tác phong trong giao tiếp, ứng xử trong quá trình giảng dạy.
Những kết quả đạt được như trên là do sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã coi trọng nhiệm vụ hoạt động khoa học. Ngay từ đầu năm nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời trong quá trình thực hiện nội dung nghiên cứu khoa học, tổng kết nghiên cứu thực tế, lãnh đạo nhà trường đã quan tâm, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ và luôn tạo mọi điều kiện về thời gian, kinh phí,... nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của nhiệm vụ hoạt động khoa học.
Tuy nhiên bên cạnh đó hoạt động khoa học vẫn còn một số hạn chế. Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động khoa học năm 2016, tác giả đưa ra một số giải pháp như sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên về tầm quan trọng của nhiệm vụ hoạt động khoa học. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cán bộ, giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn giảng dạy đã được phân công, cán bộ giảng viên bắt buộc phải tham gia nghiên cứu khoa học và đi thâm nhập tìm hiểu thực tế ở cơ sở. Mỗi cán bộ, giảng viên cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ về tầm quan trọng và ý nghĩa của hoạt động khoa học. Hiện nay, vẫn còn một số cán bộ, giảng viên chỉ quan tâm đến công tác giảng dạy mà chưa thấy hết vai trò quan trọng của hoạt động khoa học. Do đó, chưa có sự đầu tư thoả đáng để tạo ra sản phẩm khoa học có chất lượng.
Hai là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy định cụ thể về nhiệm vụ hoạt động khoa học cho phù hợp với điều kiện hiện nay để nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Năm 2016 tiếp tục tham mưu, xây dựng các quy định cụ thể trong công tác nghiên cứu thực tế; các quy định về các điều kiện tổ chức, triển khai thực hiện hội thảo, tọa đàm cấp khoa, phòng, cấp trường; các quy định chi tiết về quy đổi công trình khoa học đối với các bài viết tham gia hội thảo, tọa đàm cấp trường (Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQH, ngày 03/02/2010 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chưa quy định cụ thể.
Ba là, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, các cuộc hội thảo, tọa đàm ở cơ sở để giảng viên có cơ hội nắm bắt được các hoạt động thực tiễn tại địa phương. Tăng cường đi nghiên cứu khảo sát thực tế ở cơ sở để giảng viên tìm hiểu nắm bắt được tình hình thực tế đang diễn ra ở địa phương, gắn lý luận với thực tiễn để có các giải pháp có tính khả thi trong công tác nghiên cứu khoa học. Có như vậy các sản phẩm khoa học mới có tính khả thi để giúp cho địa phương xây dựng các mục tiêu, phương hướng và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.   
Bốn là, cần có chính sách khuyến khích cán bộ, giảng viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. Phòng NCKH-TT-TL tham mưu cho Ban Giám hiệu xây dựng và ban hành các quy định về quy đổi giờ từ giờ giảng dạy quy đổi ra công trình nghiên cứu khoa học và ngược lại với một tỷ lệ thích hợp, để cán bộ, giảng viên an tâm khi tham gia hoạt động khoa học, đây cũng là động lực để cán bộ, giảng viên nhiệt tình, tâm huyết tham gia nghiên cứu khoa học. (Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQH, ngày 03/02/2010 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chưa quy định cụ thể.
Năm là, tăng cường hoạt động chuyên môn của Hội đồng khoa học nhà trường thông qua thao giảng, dự giờ, rút kinh nghiệm bài giảng, sinh hoạt chuyên môn, thẩm định các công trình khoa học, các bài tham luận hội thảo, tọa đàm; các bài viết cho cuốn Thông tin lý luận và thực tiễn...; đánh giá, nghiệm thu các đề tài khoa học, các báo cáo nghiên cứu, khảo sát thực tế của giảng viên. Phòng NCKH-TT-TL tham mưu cho Ban Giám hiệu xây dựng và ban hành các quy định về hỗ trợ kinh phí khi các thành viên Hội đồng khoa học tham gia vào các hoạt động khoa học của nhà trường. Tạo điều kiện tốt nhất về kinh phí cho hoạt động khoa học. Ngoài kinh phí đã được quy định cho các kết quả hoạt động khoa học, cần có chế độ khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có sản phẩm khoa học được Hội đồng khoa học nhà trường đánh giá xuất sắc và có tính ứng dụng cao ở địa phương, cơ sở. Nhằm động viên, khuyến khích sự sáng tạo và say mê nghiên cứu khoa học đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên. Căn cứ vào đăng ký hoạt động khoa học đầu năm của các đơn vị khoa, phòng để đối chiếu kết quả thực hiện hoạt động khoa học vào cuối năm, được xem là một trong các tiêu chuẩn để đánh giá xếp loại khen thưởng danh hiệu thi đua hàng năm của cá nhân cán bộ giảng viên và tập thể các khoa phòng.
Sáu là, phòng NCKH-TT-TL tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng trang thông tin điện tử (trang website), dự kiến đưa vào hoạt động năm 2016. Đây là cầu nối giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước về các hoạt động khoa học và các hoạt động chuyên môn khác của nhà trường và quảng bá các sản phẩm khoa học của cán bộ, giảng viên đã hoàn thành.
Bước sang năm 2016 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch mới; cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao.
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088247

Đang Online : 4126