Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:5/3/2016 10:41:00 AM Lượt xem: 1400

HIỆU QUẢ TỪ CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRONG NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG SẢN XUẤT HÀNG HÓA
 Ở XÃ KIM BÌNH, HUYỆN CHIÊM HÓA.
 

Bùi Trung Dũng
Khoa Xây dựng Đảng
 
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bao gồm nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị ở cơ sở và an ninh trật tự xã hội ở nông thôn. Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện; có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Để đạt được tiêu chí số 10, 11 (02 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới) về thu nhập và giảm hộ nghèo trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì không còn con đường nào khác ngoài phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh của từng địa phương. Đối với những xã ở vùng trung du miền núi phía Bắc thì chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa là bài toán cần có câu trả lời. Trong khi nhiều xã chưa tìm ra lời giải thì xã Kim Bình - một trong 7 xã điểm của tỉnh Tuyên Quang thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt những kết quả đáng mừng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Xã Kim Bình nằm ở phía Đông Nam huyện Chiêm Hóa, cách trung tâm huyện 15 km. Phía Bắc giáp xã Ngọc Hội và xã Phú Bình; phía Tây giáp xã Vinh Quang và xã Bình Nhân; phía Đông giáp xã Phú Bình; phía Nam giáp xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn). Diện tích tự nhiên tương đối rộng 4.153 ha, chủ yếu là đồi, núi chiếm 83% tổng diện tích tự nhiên toàn xã. Là một xã thuần nông thuộc vùng khó khăn của huyện Chiêm Hóa, tỷ lệ lao động sản xuất nông nghiệp chiếm 98,5%. Đời sống và thu nhập của người dân trong xã chủ yếu từ trồng trọt và chăn nuôi.
Ban Chấp hành Đảng bộ xã Kim Bình đã xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và liên kết 4 nhà. Kết quả đã xây dựng và triển khai 5 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả tại xã như: Mô hình cánh đồng mẫu; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao trên 30 ha; sản xuất tiêu thụ mía nguyên liệu trên 200 ha; mô hình trồng, sản xuất tiêu thụ chuối; mô hình sản xuất rau 0,75 ha/7 hộ tham gia. Trong những mô hình trên, mô hình sản xuất tiêu thụ chuối tây là một trong những mô hình tiêu biểu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Kim Bình.
Cây chuối là loại cây phổ biến, dễ trồng ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Ở Kim Bình, đây là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, hợp với đất và khí hậu của địa phương. Trước đây bà con thường trồng manh mún, phục vụ chủ yếu cho chăn nuôi và nấu rượu, do đó chưa áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng loại cây này, thêm vào đó do đầu ra sản phẩm chưa ổn định nên diện tích đất trồng chuối chưa nhiều. Nhận thức được ưu thế của loại cây này tại địa phương, xã đã xây dựng đề án thâm canh cây chuối, chuyển đổi một số loại cây trồng mà không đem lại kinh tế bằng chuối như sắn, ngô, khoai... Năm 2011 kế hoạch chuyển đổi sang trồng cây chuối tây chỉ khoảng 60.5 ha, nhưng kết quả thực hiện 150 ha, vượt 247,93 %; năm 2015 diện tích đất trồng cây chuối tây lên tới 500 ha, thôn Khuận Nhự là thôn trồng nhiều chuối tây nhất xã với trên 20 ha. Từ việc chuyển đổi cây trồng, kéo theo sự xuất hiện của các đầu mối thu mua chuối tại địa phương. Chuối chủ yếu được thu mua bán sang Trung Quốc, giá chuối quả là 4000 - 6000 đồng/kg tùy loại, còn bắp (hoa chuối) thu mua 17.000 đồng/kg, như vậy đầu ra bước đầu tương đối ổn định, bà con yên tâm phát triển loại cây này. Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn phụ phẩm từ chuối tây dành cho chăn nuôi đã thúc đẩy, kích thích các hộ dân ở xã Kim Bình đầu tư vào chăn nuôi trâu, lợn. Năm 2011 đàn trâu 748 con, đàn lợn 3.360 con, đến năm 2015 đã tăng lên 824 con trâu, 4.700 con lợn.
Đồng chí Đào Ngọc Vang - Chủ tịch UBND xã Kim Bình hồ hởi cho biết: “Hiện nay, cây trồng mang lại thu nhập cao nhất của xã là cây chuối tây, diện tích chuối của xã hiện trên 500ha. Hơn 90% số hộ dân (hơn 1.000 hộ) của xã tham gia trồng chuối, với thu nhập cao trên dưới 100 triệu đồng/ha. Ngoài việc trồng chuối tây lấy quả để bán, người dân còn dùng nấu, chế ra loại rượu chuối ngon hảo hạng mang nét đặc trưng riêng của Kim Bình. Tháng 3/2015, rượu chuối Kim Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu độc quyền”.
          Đạt được những thành tích trên là do Đảng bộ, chính quyền xã biết phát huy được thế mạnh nội lực sẵn có, từ đó có chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ đó, cây chuối thực sự đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Thu nhập bình quân đầu người của xã Kim Bình năm 2011 đạt 11,04 triệu đồng/người/năm, đến năm 2015 đạt 18,38 triệu đồng/người/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 44,2% năm 2011 xuống còn 5,62% năm 2015.          
Mục tiêu trồng 500 ha chuối tây trong giai đoạn 2010 - 2015 của xã Kim Bình đã đạt được. Trong thời gian tới để tiếp tục phát huy hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây chuối tây tại địa phương thì cần có một số giải pháp sau: Thứ nhất, cần giữ ổn định 500 ha đất trồng cây chuối mà nhiệm kỳ 2010 – 2015 Đảng bộ, chính quyền xã đã đạt được; Thứ hai, tiếp tục áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng chuối, tăng năng suất và chất lượng của cây chuối; Thứ ba, mở rộng thị trường xuất khẩu, không chỉ Trung Quốc mà cả các nước khác mà là thành viên các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết.
Với sự nỗ lực, đầu tư của địa phương và sự quan tâm của tỉnh nhà, hy vọng trong tương lai không xa, xã Kim Bình - huyện Chiêm Hóa - tỉnh Tuyên Quang sẽ không chỉ là điểm đến của du khách tới thăm khu di tích lịch sử mà còn là địa chỉ tin cậy, cung cấp mặt hàng nông sản chuối có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế./.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088476

Đang Online : 162