Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:5/3/2016 10:43:00 AM Lượt xem: 1179

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM NĂM 2015
                                                                
               Quán Thành Duy
                Khoa Dân vận
 
          Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/1999. Luật MTTQ Việt Nam ra đời có ý nghĩa chính trị to lớn, là cơ sở pháp lý để MTTQ Việt Nam thực hiện có hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của mình. Sau hơn 10 năm triển khai thi hành, nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được nâng lên. Tổ chức và hoạt động của MTTQ ngày càng đạt được hiệu quả thiết thực. MTTQ Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần  vào những thành tựu chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới.    
          Tuy nhiên, trước yêu cầu cần phải phát huy hơn nữa sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần các Nghị quyết Đại hội X, Đại Hội XI của Đảng và các quy định về MTTQ Việt Nam tại Hiến pháp năm 2013. Trong khi Luật MTTQ Việt Nam năm 1999 đã bộc lộ một số hạn chế như: Quy định những nguyên tắc chính trị - pháp lý còn chung chung, thiếu tính cụ thể, tính quy phạm chưa cao; chưa có những cơ chế pháp lý cụ thể để MTTQ Việt Nam thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm cũng như chưa làm rõ mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân; nhận thức, lý luận và thực tiễn về MTTQ Việt Nam đã có những bước phát triển mới quan trọng; việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam thời gian gần đây chưa theo kịp yêu cầu xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới; hoạt động giám sát của Mặt trận chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu các cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả cao. Vì vậy Luật MTTQ Việt Nam năm 1999 cần được sửa đổi, bổ sung để ban hành Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.
          Văn kiện Đại hội X của Đảng khẳng định: “MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận trong xã hội ... Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội"; "Xây dựng Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ".
             Luật MTTQ Việt Nam Số: 75/2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 9/6/2015; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016; thay thế Luật MTTQ Việt Nam số 14/1999/QH10 hết hiệu lực thi hành từ ngày Luật này có hiệu lực.
Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và Luật MTTQ Việt Nam năm 1999 có một số điểm mới cơ bản sau:
           Thứ nhất, về cơ cấu Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 gồm 8 chương, 41 điều; so với Luật MTTQ Việt Nam năm 1999 tăng 4 chương, 23 điều. Cụ thể là: Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 không có lời mở đầu như Luật MTTQ Việt Nam năm 1999 mà lồng vào Điều 1 của Luật. Về các chương, Luật MTTQ Việt Nam 2015 có 05 chương  mới đó là: Chương II "Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc" (Điều 12 - Điều 14); Chương III "Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân" (Điều 15 - Điều 18); Chương IV "Tham gia xây dựng Nhà nước" (Điều 19 - Điều 24); Chương V "Hoạt động giám sát" (Điều 25- Điều 35); Chương VI "Hoạt động phản biện xã hội" (Điều 37- Điều 39). Những chương mới này vừa thể chế hóa được các Nghị quyết của Đảng vừa cụ thể hóa, hệ thống hóa, pháp luật hóa các hoạt động của MTTQ ở các cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động có hiệu quả của MTTQ hiện nay.
          Thứ hai, về nội dung, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản sau:
          Một là, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật MTTQ Việt Nam năm 1999 về nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc (Chương II); tham gia xây dựng Nhà nước (Chương IV); hoạt động giám sát (Chương V).
          Hai là, tập hợp, hệ thống hóa quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành về việc MTTQ Việt Nam tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và giám sát đầu tư của cộng đồng (Khoản 3, Điều 17); việc MTTQ Việt Nam tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc xá, cử bào chữa viên nhân dân (Điều 18); việc MTTQ Việt Nam tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí (Điều 23).
          Ba là, bổ sung một số quy định mới về phạm vi điều chỉnh (Điều 2); về trách nhiệm và quyền hạn thực hiện dân chủ; tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Điều 3 và các điều tại Chương III, IV, V, VI); Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư (Điều 6); quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với nhân dân (Điều 8), với các tổ chức (Điều 9); Ngày truyền thống và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (Điều 11); MTTQ Việt Nam tập hợp, tổng hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân (Điều 15); MTTQ Việt Nam tham gia tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (Điều 16); MTTQ tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp (Điều 20); MTTQ Việt Nam tham gia góp ý, kiến nghị với nhà nước (Điều 24).
            Việc Quốc hội kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01, tháng 1 năm 2016 là một yêu cầu khách quan của đời sống chính trị- xã hội ở nước ta trong thời kỳ cách mạng hiện nay. Chúng ta tin tưởng rằng khi luật có hiệu lực thi hành nó sẽ đi vào cuộc sống, phát huy được những ưu điểm để MTTQ các cấp mà đặc biệt là cấp cơ sở và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư hoạt động ngày càng hiệu quả. Hoạt động của MTTQ có hiệu quả sẽ góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước và giám sát của nhân dân; thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa; tăng cường sự đồng thuận xã hội...phát huy hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088537

Đang Online : 223