Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:5/3/2016 10:42:00 AM Lượt xem: 1139


KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 135 Ở TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
 
Đỗ Thu Hương
 Phó Hiệu trưởng
 
 
Đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy
trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Chương trình 135.
(nguồn:baotuyenquang.com.vn , ngày 15-12-2015)
 
  Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía bắc, phía đông giáp Thái Nguyên và Bắc Kạn, phía bắc giáp tỉnh Hà Giang, phía tây giáp Yên Bái, phía nam giáp Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Diện tích tự nhiên hơn 5.870 km2. Là tỉnh nằm sâu trong nội địa, cách xa các trung tâm kinh tế - thương mại lớn của cả nước. Dân số của tỉnh có hơn 740 nghìn người, với 22 dân tộc, trong đó trên 52% là người dân tộc thiểu số; tỉnh có 06 huyện, 01 thành phố, 141 xã, phường, thị trấn, 2.096 thôn, bản, tổ nhân dân. Một trong những thành tựu về kinh tế - xã hội đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015 là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trên 5 %/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra (tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 34,83% năm 2011 xuống còn dưới 10% năm 2015) .
Có được những kết quả trên là do tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Chương trình 135 và các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội khác. Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ban, ngành Trung ương về thực hiện Chương trình 135 trong từng giai đoạn, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, tổng hợp và ban hành Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 về việc ban hành quy định Tiêu chí phân bổ vốn Chương trình 135; Quyết định số 184/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 11/8/2014 về thực hiện Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và nhiều văn bản khác.
Tỉnh đã giao Ban Dân tộc là cơ quan trực tiếp giúp UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn, thực hiện phân cấp quản lý theo hướng: Giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các huyện chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn, UBND huyện là cấp quyết định đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thuộc nguồn vốn chương trình 135 trên địa bàn huyện; thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán, kế hoạch đấu thầu chỉ định thầu... các công trình thuộc nguồn vốn. Phân cấp mạnh cho xã làm chủ đầu tư các hợp phần dự án thuộc Chương trình 135 và một số chính sách dân tộc khác. Hiện nay có 109/109 xã (61 xã đặc biệt khó khăn, ATK và 48 xã khu vực I, II có thôn đặc biệt khó khăn) thuộc chương trình làm chủ đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Để phân định mức độ khó khăn theo từng địa bàn xã, thôn để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 tỉnh đã rà soát, xác định thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2012/TT-UBDT ngày 24/10/2012 của Uỷ ban Dân tộc. Kết quả, toàn tỉnh có 761 thôn đặc biệt khó khăn; xã khu vực I là 36 xã, thị trấn, khu vực II là 49 xã, khu vực III là 56 xã. Do làm tốt công tác quản lý, công tác phổ biến, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình với các hình thức phong phú, đa dạng tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện ở cơ sở và làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của các chương trình, dự án, chính sách nên Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả cụ thể sau:
Từ năm 2011 đến năm 2013 thực hiện dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn và chương trình 135 năm 2011 trên địa bàn 35 xã đặc biệt khó khăn và 78 thôn đặc biệt khó khăn của 33 xã khu vực II.
Từ năm 2014 đến năm 2015 thực hiện Quyết định số 2405/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thực hiện chương trình 135 giai đoạn III trên địa bàn 61 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và 245 thôn đặc biệt khó khăn của 48 xã khu vực I, II. Tổng vốn của Chương trình 135 giai đoạn III và vốn hỗ trợ cơ sở hạ tầng xã thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, III  đầu tư giai đoạn 2011 - 2015: 425.489,2 triệu đồng, trong đó kinh phí thực hiện các hợp phần dự án là: 424.536,2 triệu đồng; kinh phí quản lý, chỉ đạo: 953 triệu đồng.
Các nguồn vốn trên được tỉnh phân bổ theo từng hợp phần dự án như: Dự án phát triển sản xuất với 65.840,0 triệu đồng thực hiện các nội dung: Xây dựng 27 mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ 23.991 con gia súc, gia cầm cho hộ nghèo; hỗ trợ 421 ha giống cây trồng cho 3.102 hộ nghèo; hỗ trợ 91 tấn phân bón, 786 liều vắcxin và 846 chuồng trại cho 746 hộ nghèo; thực hiện hỗ trợ mua 2.481 máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 6.394 hộ nghèo thuộc các nhóm hộ; hỗ trợ cải tạo 500 m2 ao nuôi thủy sản cho 05 hộ nghèo. Dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng với 336.425,2 triệu đồng đầu tư xây dựng được 693 công trình cơ sở hạ tầng gồm 276 công trình giao thông, 74 công trình thủy lợi, 19 công trình điện sinh hoạt, 137 công trình nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, 4 công trình nhà y tế; 173 công trình nhà lớp học, nhà công vụ cho giáo viên và 10 công trình nước sinh hoạt. Một số các dự án khác như duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng sử dụng nguồn vốn trên đạt được kết quả: Đã thực hiện duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng 143 công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã thuộc chương trình 135, trong đó duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng 101 công trình giao thông, 16 công trình thủy lợi, 5 nhà văn hóa thôn bản, 10 công trình giáo dục, 11 công trình nước sinh hoạt tập trung; tổ chức tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm là 1.681 người; tập huấn kiến thức về mô hình xóa đói giảm nghèo cho 3.228 lượt người, dạy nghề cho 125 thanh niên dân tộc thiểu số tuổi đời từ 16-25.
Để thực hiện đồng bộ các nội dung của Chương trình 135, từ năm 2011 đến năm 2015 tỉnh luôn quan tâm và chủ động thực hiện việc lồng ghép, huy động các nguồn lực nhằm thực hiện đồng bộ các nội dung của chương trình 135 như: Nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Ailen, nguồn vốn hỗ trợ của Liên minh Châu Âu, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sau 5 năm thực hiện chương trình 135 và các nguồn vốn lồng ghép thực hiện trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm (Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 34,83 %,  hộ nghèo là dân tộc thiểu số là 41.514 hộ đến hết năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ khoảng 9 %, hộ nghèo là dân tộc thiểu số còn khoảng 16.089 hộ); 85% số thôn có đường cho xe cơ giới, 95% trung tâm xã và trên 60% thôn có điện. Đến hết năm 2015 trên địa bàn tỉnh có 04 xã đặc biệt khó khăn (xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình; xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa; xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn và xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) và 31 thôn đặc biệt khó khăn hoàn thành chương trình 135.
Ngoài ra, Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015 đã có những đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Việc mạnh dạn phân cấp tổ chức thực hiện chương trình đã góp phần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với việc triển khai thực hiện các hợp phần, dự án; phát huy vai trò giám sát của người dân và cộng đồng. Từ hiệu quả đầu tư của Chương trình 135 trong giai đoạn 2011-2015 và các giai đoạn trước đây đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, đặc biệt trong công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đặc biệt khó khăn. Đến hết năm 2015 trên địa bàn tỉnh đã có 02 xã khu vực III diện đặc biệt khó khăn và 04 xã khu vực II hoàn thành bộ tiêu chí về nông thôn mới.
Từ kết quả đạt được của Chương trình 135, có thể thấy rõ một số bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện như sau:
Một là: Nhận thức rõ trách nhiệm thực hiện Chương trình 135 nói riêng và các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hai là: Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án bảo đảm đúng quy định. Bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, khó khăn, phát sinh tại cơ sở; chủ động nghiên cứu tổng kết thực tiễn, tìm những biện pháp thiết thực có hiệu quả. 
 Ba là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra thực hiện, qua đó biểu dương những cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh việc làm chưa tốt hoặc vi phạm chế độ chính sách.
Bốn là: Nâng cao vai trò phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp trong tổ chức thực hiện. Kiên trì thực hiện mục tiêu, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị; chú trọng công tác dân vận của Đảng, kiên trì công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật để đồng bào hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tạo điều kiện để người dân phát huy nội lực vươn lên, tránh tư tưởng tự ty, ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước.
Với truyền thống yêu nước, đoàn kết và tinh thần quyết không chịu đói nghèo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh xứng đáng là quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến./.    
 Nguồn số liệu : Hội nghị tổng kết chương trình 135 và các chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 tỉnh Tuyên Quang, ngày 15/12/2015.
          
 
 
 
 
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088537

Đang Online : 223