Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:6/3/2016 9:30:00 AM Lượt xem: 2127

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG, THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH TUYÊN QUANG LẦN THỨ XVI NHIỆM KỲ 2015 – 2020
 
Vi Thị Thu Hiền
Khoa Nhà nước và pháp luật
 
Là một tỉnh miền núi phía bắc còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua Tuyên Quang luôn xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, do vậy, tỉnh luôn quan tâm đến phát triển sự nghiệp giáo dục và đạo tạo, đặc biệt là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh để nâng cao năng lực, trình độ cả về chuyên môn và lý luận chính trị, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 4 lĩnh vực đột phá. Sau 5 năm thực hiện: “Nguồn nhân lực có bước phát triển, chất lượng được nâng lên, giáo dục và đào tạo đạt kết quả quan trọng; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trước 2 năm so với kế hoạch; thành lập Trường Đại học Tân Trào, hoàn thiện đầy đủ các cấp học, tạo bước phát triển mới trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh…(trích bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm với TTXVN về một số kết quả thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2015-2020).
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đổi mới mạnh mẽ và vững chắc, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020  xác định: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao”. (trích nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI)
 Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm trên là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tỉnh trong đó có vai trò không nhỏ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang. Với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ công chức của tỉnh  về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền; Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị  - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước; một số lĩnh vực khác theo kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong thời gian tới để thực hiện nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI đề ra, thiết nghĩ nhà trường cần phải:
Một là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên nhà trường. Đây là lực lượng nòng cốt trong đào tạo, bồi dưỡng và tuyên truyền  đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Vì thế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đội ngũ giảng viên phải đảm bảo vững vàng về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Muốn vậy nhà trường cần có kế hoạch, quy hoạch để cử giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, đào tạo trình độ thạc sĩ, đặc biệt khuyến khích đội ngũ giảng viên đi nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Hai là, tạo môi trường thuận lợi để giảng viên rèn luyện, phấn đấu, thường xuyên nêu cao tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu, gắn lý luận với thực tiễn. Bởi lẽ lý luận và thực tiễn có mối quan hệ khăng khít với nhau, để phát huy hiệu quả trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng luôn cần phải đặt lý luận vào trong thực tiễn, lấy thực tiễn làm sáng tỏ lý luận. Nhà trường tạo điều kiện cho giảng viên nghiên cứu khoa học và đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở, nên xây dựng những chương trình, kế hoạch tổ chức cho giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, góp phần nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn cho giảng viên.
Ba là,  các khoa chuyên môn phải chú trọng hoạt động chuyên môn như: thông qua bài, dự giờ, thao giảng hàng năm để nâng cao trình độ, phương pháp, kỹ năng giảng dạy của từng giảng viên, gắn hoạt động kiểm tra với đánh giá chất lượng bài giảng. Đây vừa là hoạt động sinh hoạt chuyên môn vừa là cơ hội để các giảng viên học hỏi kinh nghiệm của nhau trong quá trình giảng dạy cũng như phương pháp sư phạm và kỹ năng ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào bài giảng của mỗi giảng viên. Qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường.
Bốn là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Xây dựng môi trường dạy và học, động viên kịp thời cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên , nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, yên tâm công tác và phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.
Năm là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần tăng cường công tác quản lý chặt chẽ, thường xuyên phối hợp giữa nhà trường với cơ quan có thẩm quyền để lựa chọn những cán bộ đủ điều kiện, có nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng để tham gia các lớp học của nhà trường. Qua đó đáp ứng yêu cầu về phát triển và nâng cao nguồn nhân lực tại địa phương.
Với truyền thống 59 năm xây dựng và phát triển của nhà trường, đội ngũ giảng viên tiếp tục phấn đấu rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ kỳ 2015-2020 đã đề ra.
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088605

Đang Online : 291