Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:5/3/2016 10:45:00 AM Lượt xem: 1147

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐƯA DU LỊCH TUYÊN QUANG TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ QUAN TRỌNG CỦA TỈNH
 
                          Đỗ Thị Xuân Anh
                           Khoa Xây dựng Đảng
 
 
Màn diễn diễu các mô hình đèn Trung thu tại Lễ hội Thành Tuyên  năm 2015
(nguồn: http://tuyenquang.gov.vn, ngày 04/01/2016)
 
 Tuyên Quang là tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía bắc, cầu nối giữa các tỉnh phía bắc với đồng bằng châu thổ sông Hồng. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi Tuyên Quang có nhiều lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch lịch sử- văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội…
 Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định: Phát triển kinh tế du lịch là một trong 4 lĩnh vực đột phá của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 28 tháng 1 năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó nhiều chương trình, dự án đầu tư vào du lịch được thực hiện. Công tác quảng bá du lịch được đẩy mạnh, nguồn nhân lực du lịch từng bước được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, lượng khách du lịch đến Tuyên Quang tăng lên qua từng năm. Nếu năm 2010, lượng khách du lịch đến Tuyên Quang chỉ đạt 530.000 lượt người thì đến năm 2014 đã lên đến 1.050.000 lượt người, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 17%/năm, về đích trước một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV đã đề ra là đón 1 triệu lượt khách du lịch đến Tuyên Quang vào năm 2015. Thu nhập từ du lịch tăng từ 500 tỷ đồng năm 2010 lên 905 tỷ đồng vào năm 2014, tăng 81%, chiếm khoảng 5% tổng GDP toàn tỉnh. Năm 2010, toàn tỉnh mới có 129 cơ sở lưu trú du lịch với 1612 phòng, 2938 giường đến nay đã có 260 cơ sở lưu trú du lịch với 2507 phòng, 3943 giường trong đó có 35 khách sạn 2 sao. Tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động và hàng chục ngàn lao động liên quan đến du lịch.
Tuy nhiên những kết quả đã đạt được về phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh. Chưa hình thành được mạng lưới liên kết du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế. Còn thiếu những dự án đầu tư lớn, những nhà đầu tư chiến lược vào các khu, điểm du lịch hoặc các cơ sở lưu trú du lịch. Do vậy lượng khách đến Tuyên Quang chưa ổn định, chủ yếu là khách đến thăm quan các di tích lịch sử - văn hóa như: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, Đình Hồng Thái…và một số lễ hội tâm linh mang tính thời vụ, chủ yếu là vào dịp đầu năm, cuối năm.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015- 2020 tiếp tục xác định du lịch vẫn là khâu đột phá của tỉnh. Để du lịch Tuyên Quang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thu hút 1,7 triệu khách du lịch vào năm 2020, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
 Một là: Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhân dân về du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Qua đó, từ tỉnh đến cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện bảo vệ môi trường du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, ứng xử văn minh để xây dựng hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người Tuyên Quang.
Hai là: Thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dịch vụ du lịch. Ngành du lịch từng bước thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư vào khu vực trọng điểm như: Khu di tích lịch sử quốc gia Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, khu du lịch sinh thái lòng hồ Tuyên Quang.
Ba là: Tăng cường thông tin quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh, danh mục dự án đầu tư của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; thực hiện hiệu quả Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch; phát huy giá trị của trên 500 di tích lịch sử văn hóa và khai thác văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú của tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm và các dịch vụ du lịch đã có; xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch là thế mạnh của tỉnh.
Bốn là: Tham mưu xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu về chất, lượng, đảm bảo tính chuyên nghiệp, chú trọng đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và xúc tiến đầu tư du lịch; tạo mọi điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.
Năm là: Thúc đẩy và tăng cường liên kết phát triển du lịch, hình thành những sản phẩm du lịch, tua du lịch giữa các vùng , liên vùng giữa các tỉnh Tây Bắc với các trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Với tiềm năng, thế mạnh cùng những chính sách đúng đắn trong phát triển du lịch của tỉnh, trong nhũng năm tới, du lịch Tuyên Quang sẽ ngày càng khẳng định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía bắc.
 
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088319

Đang Online : 5