Nội san >>  Nội san năm 2016  >> nội san số 1

Ngày Đăng:6/2/2016 6:01:00 PM Lượt xem: 1307

KẾT QUẢ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI LẦN THỨ XV ĐẢNG BỘ TỈNH
                                                     
  Nguyễn Văn Xuân
  Khoa Xây dựng Đảng
Quốc lộ 37 (nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 21/10/2015)
 
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam, có địa hình khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao, thung lũng sâu và sông suối. Do vậy, việc đi lại khó khăn, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra bốn khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội: “Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông; phát triển mạnh công nghiệp, tập trung công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến sâu khoáng sản; phát triển kinh tế du lịch, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”[1]. Trong đó huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông là lĩnh vực đột phá đầu tiên để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch về đầu tư phát triển hệ thống giao thông; chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố, có chính sách thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông, phát triển giao thông gắn kết giữa các địa phương và các khu - cụm công nghiệp - du lịch. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, các tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh, huyện, thị được nâng cấp, mở rộng xây dựng mới, một số cây cầu lớn đã được xây dựng, chất lượng của hệ thống giao thông được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế - xã hội an ninh, quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, kịp thời nắm vững chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ đó chủ động, kịp thời tham mưu với tỉnh về chương trình, kế hoạch công tác phát triển giao thông vận tải trên địa bàn; đề xuất các Bộ, ngành bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình giao thông đầu tư mới và đang thi công dở dang. Sở Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo, thẩm định hồ sơ, tổ chức thi công các dự án giao thông được giao làm chủ đầu tư đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, thời gian đúng chủ trương lãnh đạo của tỉnh, của Bộ Giao thông vận tải; thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về kỹ thuật, thẩm định chuyên ngành, duy tu bảo dưỡng đường bộ, quản lý hoạt động vận tải, công tác thu phí đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn về vốn nhưng hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh vẫn được quan tâm đầu tư và phát triển khá nhanh và đồng bộ. Để đạt được kết qua trên, Sở Giao thông vận tải đã chủ động, kịp thời tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ đề nghị đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp và sửa chữa hệ thống giao thông nhất là các công trình, dự án trọng điểm..., tập trung làm việc với các ngành, UBND các huyện, thành phố có dự án giao thông được triển khai trên địa bàn, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi trả kinh phí kịp thời cho tổ chức, hộ gia đình; sâu sát điều hành quyết liệt chỉ đạo thi công về đúng và trước tiến độ hoàn thành công trình, quản lý tốt chất lượng, kỹ thuật, đảm bảo an toàn lao động, an toàn các công trình được giao làm chủ đầu tư cũng như các công trình giao thông triển khai trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ lập, trình duyệt hồ sơ thủ tục đầu tư các công trình, dự án mới để có đủ điều kiện tranh thủ xin vốn; thanh toán khối lượng và giải ngân kịp thời hết kế hoạch vốn được giao.
Kết quả xây dựng hệ thống giao thông 5 năm qua hoàn thành đầu tư cải tạo nâng cấp và sửa chữa 1.276 km đường bộ, 02 cầu lớn và 26 cầu vừa - nhỏ, 39 cầu tràn và 05 cầu treo, riêng ngành giao thông vận tải thực hiện hoàn thành các dự án: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 2C đoạn từ km 49+750 - km147+250 (giáp tỉnh Vĩnh Phúc) đến giao với Quốc lộ 2 (xã Lăng Quán huyện Yên Sơn); đường tỉnh ĐT187 (Đài Thị - Kéo Mác thuộc huyện Chiêm Hóa), ĐT 189 (Bình Xa - Yên Thuận thuộc huyện Hàm Yên); 05 cầu treo (Nà Mèo, Vàng On, Nà Thoi, Nà Khậu, Sơn Nam) trên địa bàn các huyện; đường Tuệ Tĩnh từ đường Lê Duẩn đến đường Tân Hà - thành phố Tuyên Quang; đường Tỉn Keo - Bảo tàng Tân Trào huyện Sơn Dương, 07 tuyến đường thảm bê tông nhựa trung tâm thành phố Tuyên Quang, sửa chữa nền rải nhựa mặt đường QL 279 từ thị trấn Na Hang đi Đà Vị dài 35 km và QL2C từ Nông Tiến đi thị trấn Chiêm Hóa dài 69km,... đã khởi công và đang chỉ đạo thi công theo tiến độ, kế hoạch vốn các dự án: Cầu và đường dẫn cầu Bình Ca; đường Lăng Căn - Xuân Lập, huyện Lâm Bình (giai đoạn 1); đường Đồng Quý - Vân Sơn, huyện Sơn Dương; đường giao thông đất đỏ liên xã huyện Yên Sơn; đường Thổ Bình - Bình An, huyện Lâm Bình; đường Yên Hoa - Sinh Long, huyện Na Hang;...  đang triển khai lập, trình duyệt thủ tục chuẩn bị nguồn vốn đầu tư các dự án: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn từ km127+500 đến km124+500 đấu nối vào đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối vào đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hai tuyến đường hai bờ Sông Lô đoạn qua trung tâm thành phố Tuyên Quang; cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐT.186 đoạn từ ngã ba Sơn Nam đến Hồng Lạc, huyện Sơn Dương; đường Phúc Ninh - Chiêu Yên, huyện Yên Sơn; đường Sơn Dương - Thiện Kế (ĐH.3), huyện Sơn Dương; xây dựng cầu Tình Húc; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn ngã ba Phúc Ứng đến ngã ba Chanh và Quốc lộ 2C đoạn km 135+00 - km 157+00;...
Về đầu tư bê tông hoá đường giao thông nông thôn. Ngành giao thông vận tải đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Phối hợp với các huyện, thành phố, các sở, ban ngành tuyên truyền, phổ biến rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, bản, tổ dân phố về Chương trình bê tông hoá đường giao thông nông thôn, được nhân dân đồng tình hưởng ứng với tinh thần tự giác và quyết tâm cao.
Đến hết năm 2015 toàn tỉnh đã thực hiện được 2.700 km đường giao thông nông thôn, vượt kế hoạch đề ra, hoàn thành sớm so với mục tiêu của cả nhiệm kỳ, tạo ra diện mạo mới ở khu vực nông thôn, sự chuyển biến rõ nét về sản xuất và đời sống của nhân dân. Tổng nguồn lực huy động thực hiện Đề án bê tông hoá đường giao thông nông thôn đạt trên 1.400 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 52%, nhà nước hỗ trợ 48%. Các tuyến đường hoàn thành đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giao thương đi lại cho người dân, nhất là vào mùa mưa. Kế hoạch xây dựng các tuyến đường đều được dân chủ công khai từ cơ sở, nhân dân hưởng ứng đóng góp và tổ chức thi công ngay khi có kế hoạch được phê duyệt. Trong những năm qua đã huy động được một nguồn lực rất lớn của nhân dân thông qua việc đóng góp công lao động, vật liệu, tiền của. Nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đóng góp về vật liệu, máy móc thiết bị và kinh phí; nhiều hộ gia đình tự nguyện tham gia ủng hộ tiền và hiến đất... Sự đóng góp thiết thực đó, đã và đang cùng với tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi về đi lại cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần tích cực thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Chính phủ và của tỉnh. Chủ trương bê tông hoá đường giao thông nông thôn với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", cơ chế chính sách hợp lý, trình tự thủ tục đơn giản, gắn kết với chủ trương xây dựng nông thôn mới nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Có thể khẳng định bê tông hoá đường giao thông nông thôn là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng thực hiện.
Một số đề xuất để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông
- Đối với tỉnh, đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, tận dụng thời cơ để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong đó sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển hệ thống giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển.
Nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan tích cực thu hút các nguồn vốn đầu t­ư phát triển hệ thống giao thông phấn đấu hoàn thành  mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 – 2020 ngay từ đầu năm 2016.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương về đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đường bộ giai đoạn 2015 - 2020 của cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn thực sự sâu sát và quyết liệt; đặc biệt gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với kết quả tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương mình.
Thực hiện cơ chế chính sách với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong việc thực hiện chủ trương bê tông hoá đường giao thông nông thôn.
Việc xây dựng kế hoạch, thẩm định, phê duyệt danh mục các tuyến đường được đầu tư đảm bảo đúng tiêu chí của đề án, gắn với quy hoạch hệ thống đường giao thông theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Đối với huyện, thành phố phát huy tối đa nguồn lực ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chú trọng thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sử dụng tài sản, công cụ, ph­ương tiện đúng quy định phục vụ công tác và hoạt động của cơ quan, đơn vị.
- Đối với nhân dân tuyên truyền, vận động nhân dân đặc biệt những vùng còn nhiều khó khăn, làm cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn chủ trương của tỉnh và lợi ích cho chính mình, từ đó tích cực tham gia đóng góp thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đặc biệt là chủ trương bê tông hoá đường giao thông nông thôn.
Hiệu quả đầu tư phát triển hệ thống giao thông của tỉnh Tuyên Quang đã góp phần làm cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh có một diện mạo mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
 
 
 
 
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV tr.83).

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8088627

Đang Online : 313